Sự kiện hot
6 năm trước

Vụ đại gia Nguyễn Kim trốn thuế 148 tỷ đồng bị phát giác, có thưởng bèo cho người tố cáo?

Sau khi nhận được tố giác và phát hiện sai phạm của “ông trùm” điện máy Nguyễn Kim, Cục Thuế TP.HCM đã truy thu được số tiền khủng nhưng lại thưởng quá bèo đối với người có công tố giác, như vậy làm sao khuyến khích được người tố giác?

Vừa qua, 7.11 Cục Thuế TP.HCM trao quyết định khen thưởng kèm tiền thưởng 3 triệu đồng cho ông  N.D.T.C. - người cung cấp thông tin giúp Cục Thuế TP.HCM truy thu và phạt hơn 148 tỷ đồng do “lách” thuế thu nhập cá nhân hàng chục năm qua của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim.

Trước đó, từ sự phản ánh của ông C., Cục Thuế TP đã quyết định thanh tra hành vi trốn thuế của CTCP Thương mại Nguyễn Kim thông qua việc kê khai lương của nhân viên. Kết quả thanh tra nêu rõ, hơn 10 năm qua, năm nào nhân viên cũng ủy quyền cho công ty quyết toán thuế đầy đủ nhưng điện máy Nguyễn Kim đã né thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để tránh nộp thuế.

Luật sư Hùng cho rằng, mức thưởng kiểu “cho có lệ” sẽ không thể khuyến khích hành vi tố giác tội phạm của người dân
Luật sư Hùng cho rằng, mức thưởng kiểu “cho có lệ” sẽ không thể khuyến khích hành vi tố giác tội phạm của người dân

Theo Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP.HCM, để đưa ra mức khen thưởng phải căn cứ vào Luật thi đua khen thưởng năm 2003, Luật sửa đổi bổ sung năm 2013 và Quyết định số 2512 của Tổng cục Thuế ngày 21.12.2016 về việc ban hành quy chế phối hợp, khen thưởng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bên ngoài có liên quan đến công tác thuế.

Trong đó, quyết định số 2512 quy định các trường hợp cung cấp thông tin về các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về thuế nhằm mục đích trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, giúp cơ quan thuế truy thu hoặc thu hồi số tiền thuế đã bị chiếm đoạt hoặc ngăn chặn hành vi gian lận thuế thì sẽ được cơ quan thuế khen thưởng.

Luật sư Hùng cho rằng, hiện nay hành vi trốn thuế của các cá nhân, doanh nghiệp khá phổ biến và số tiền lên có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, rất ít người dám tố giác. Nhân viên trong doanh nghiệp nếu đứng ra tố giác sẽ đối mặt nguy cơ phải đối mặt trong việc bị gây khó dễ trong công việc, thăng tiến, bị mất việc, chưa kể còn nguy hiểm đến cả tính mạng.

Vì vậy, số tiền thưởng 3 triệu đồng so với nhừng gì mà người tố cáo có thể đối mặt thì rất nhỏ. Gọi là tiền thưởng khuyến khích nhưng thực chất số tiền đó sẽ rất khó khăn trong việc tạo động lực cho người dân dũng cảm đứng lên để tố giác hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, bởi số tiền nhỏ đó họ cảm thấy không đáng để phiêu lưu mà tố giác vì người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình và cả sự yên ổn, an toàn trong công việc, tính mạng.

Luật sư Hùng nhận định, việc trích thưởng chỉ dựa trên hình thức chứ chưa dựa vào tính chất vụ việc. Đối với những mức thưởng quá thấp như vậy thì không tương xứng đối với hành vi tố cáo. Ngoài thưởng theo chính sách, quy định của pháp luật thì nhà nước vẫn chưa có quy định về quỹ thưởng cụ thể nào khác cho công dân.

Theo luật sư Hùng, Nhà nước cần ban hành các quy định pháp luật về việc quy định mức thưởng cụ thể theo từng vụ việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về việc xét mức thưởng, đồng thời điều chỉnh các quy định xem xét mức thưởng cho phù hợp hiện nay.

Để khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thu ngân sách, không nên quy định mức thưởng quá cứng nhắc, mà nên điểu chỉnh lại quy định cách tính mức thưởng.

Một số cách xem xét mức thưởng có thể được xem xét cân nhắc như quy định thưởng trên phần trăm số tiền thuế truy thu được, kèm theo tặng giấy khen, huy chương lao động để khuyến khích người dân. Số phần trăm tính trên số tiền thuế thu được thì ngành thuế cần phải dựa vào các điều kiện kinh tế, xã hội để đưa ra một con số cụ thể hợp lí. Không nên đưa ra những con số mang tính tượng trưng, vì như vậy người dân rất khó để biết được chính xác. Như vậy, nhiều người sẽ mạnh dạn tố giác các hành vi gian lận thuế, giúp cơ quan thuế truy thu được số tiền thuế rất lớn.

Pháp luật về thuế và quản lí thuế của nước ta khá hoàn thiện và nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản về quy chế thanh tra, kiểm tra việc thu thuế của các doanh nghiệp, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ quá trình áp dụng pháp luật, quá trình thực thi của các cơ quan có thẩm quyền. Nhà nước nói chung và cục thuế nói riêng cần tạo ra một đội ngũ thanh tra, kiểm tra thuế nhanh nhạy, có chuyên môn cao và tuân thủ pháp luật.

“Cơ quan thuế các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị, cá nhân dung túng bao che, tiếp tay cho hành vi gian lận thuế. Đồng thời, phối hợp với cơ quan Công an, và các cơ quan liên quan để nắm bắt, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp kiểm tra, xác minh, cung cấp hồ sơ, thông tin nhanh chóng, kịp thời, nâng cao tính răn đe các đối tượng nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế…

Bên cạnh việc khuyến khích người dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thuế, nhà nước cũng cần có chính sách bảo vệ tính mạng sức khỏe, cũng như cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân của người đó, không nên tiết lộ thông tin cá nhân, quá trình tiếp nhận tố cáo và tiến hành bảo vệ người tố cáo cần diễn ra nhanh chóng, kịp thời”, Luật sư Hùng phân tích.

Phan Vượng – Kỳ Phương
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: