Sự kiện hot
7 năm trước

Vụ Khaisilk bán khăn lụa "made in China": Chuyển hồ sơ sang công an điều tra

Bộ Công Thương vừa yêu cầu quản lý thị trường chuyển toàn bộ thông tin vụ Khaisilk bán khăn gắn mác Trung Quốc sang cơ quan công an điều tra để xử lý hình sự.

Chiều ngày 30/10/2017, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Khăn lụa Khaisilk bị khách hàng tố cáo bị cắt mác Trung Quốc gắn mác Việt Nam. Ảnh: báo Thanh niên

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cũng quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan: công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường có văn bản gửi cơ quan điều tra công an TP Hà Nội đề nghị hỗ trợ Bộ Công thương và lực lượng chức năng làm rõ mối liên hệ cũng như vai trò của Tập đoàn Khải Đức với thương hiệu Khaisilk và việc kinh doanh của cửa hàng số 113 Hàng Gai trong việc dùng nhãn mác giả ''Made in Viet Nam''.

Từ đó làm rõ những vi phạm của Tập đoàn Khải Đức và Khaisilk trong việc tiêu thụ các hàng hoá ''Made in China'' giả nhãn mác hàng hoá Việt Nam trong nhiều năm qua. Sau đó sẽ xác định mức độ sai phạm để củng cố cơ sở điều tra đối với vụ việc bán hàng giả nhãn mác của cửa hàng 113 Hàng Gai.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) cho rằng, việc gian lận nguồn gốc hàng hoá chắc chắn có nguy hiểm cho xã hội. Khi lừa mỗi người vài trăm ngàn đến vài triệu, lừa hàng trăm người, hàng nghìn người qua cả chục năm thì giá trị trở nên rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Như vậy, một hành vi gian lận để thu lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng chẳng nhẽ không xứng đáng bị xử lý hình sự?

“Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hoá nữa. Lúc đó sẽ làm mất đi động lực sản xuất hàng hoá có chất lượng cao của các doanh nghiệp. Đơn giản vì ai cũng sẽ có thể bán hàng chất lượng thấp và gắn mác chất lượng cao”, ông Đức phân tích.

Như đã đưa tin trước đó, ngày 23/10, dư luận xôn xao bởi người tiêu dùng tố cáo khăn lụa mua từ cửa hàng Khaisilk có dán dãn mác "Made in China" đồng thời với một tem dán nhãn "Made in Viet Nam". Sau đó, ông chủ Hoàng Khải của thương hiệu này đã thừa nhận có nhập hàng lụa Trung Quốc về để bán từ nhiều năm trước.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo cấp dưới cần xác minh làm rõ và báo cáo trước ngày 28/10. Cơ quan thuế cũng đồng thời vào cuộc.

Hiện các cửa hàng trong chuỗi Khaisilk đều đã đóng cửa. Nhiều khách hàng mang hàng đến đòi trả lại nhưng được yêu cầu phải có hóa đơn mới tiếp nhận hoàn trả tiền

Mai Quỳnh

Theo Đời sống và Pháp Luật

Từ khóa: