Sự kiện hot
7 năm trước

Vũ khí lợi hại của Jack Ma trong cuộc chiến bán lẻ

Tập đoàn Alibaba của Jack Ma và JD, một đối thủ nặng ký của họ, đang sử dụng dữ liệu để mở rộng phạm vi kiểm soát thị trường bán lẻ khổng lồ tại Trung Quốc.

1.000 tỷ USD. Đó là số tiền người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ chi cho mua sắm trực tuyến vào cuối năm nay - chiếm khoảng một nửa doanh số thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Nhưng ở Trung Quốc, con số đó vẫn chưa bằng một phần tư doanh số bán lẻ toàn quốc. Vì thế, đương nhiên hai “đại gia” thương mại điện tử Trung Quốc là JD và Alibaba muốn hướng tới những cửa hàng truyền thống.

Dữ liệu đang trở thành công cụ lợi hại để Alibaba mở rộng ảnh hưởng trong mảng bán lẻ. Ảnh: WSJ

Trong năm qua, cả hai tập đoàn đều tăng nỗ lực nhằm mở rộng phạm vi kinh doanh sang cửa hàng truyền thống mà không phải chịu gánh nặng liên quan tới sở hữu và lập các cửa hàng trên cả nước. Đối với JD và Alibaba, cuộc chiến trên mặt trận bán lẻ truyền thống xoay quanh dữ liệu.

“Ở Trung Quốc, chúng tôi đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi của cả hai (cửa hàng truyền thống và cửa hàng trực tuyến). Đó là sự hợp tác về dữ liệu, bởi dữ liệu chính là khách hàng”, Stephane Rinderknech, giám đốc điều hành chi nhánh L’Oreal tại Trung Quốc, phát biểu.

“Bán lẻ kiểu mới” là khẩu hiệu của Alibaba trong năm 2017, với trọng tâm là sự tích hợp giữa bán lẻ truyền thống và trực tuyến. Nói một cách ngắn gọn, nó có nghĩa là lần theo dấu vết của khách hàng ở mọi nơi họ mua hàng - trên điện thoại, ở cửa hàng, hay thậm chí thông qua loa thông minh. JD gọi đó là “bán lẻ không biên giới”.

Bằng cách “theo dõi” người mua ở mọi nơi, Alibaba và JD muốn biết người tiêu dùng Trung Quốc - và những yếu tố thôi thúc họ mua hàng - tốt hơn so với mọi công ty khác trên thế giới.

Doanh nhân tỷ phú Jack Ma. Ảnh: China Daily

Thị phần của ngành bán lẻ truyền thống đã giảm dần do người tiêu dùng ngày càng mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Năm ngoái, kỳ mua sắm nhân Ngày độc thân ở Trung Quốc đã phá kỷ lục lần nữa, đạt doanh thu 17,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của thương mại điện tử cũng giảm dần từ năm 2013. Người tiêu dùng ngày càng trở nên sành điệu và tinh tế hơn, khiến những trung tâm trải nghiệm mua sắm và dịch vụ trong cửa hàng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Để mở rộng vai trò trong ngành bán lẻ truyền thống và tăng doanh số, cả JD và Alibaba đều nỗ lực thu hút doanh nghiệp với hàng loạt dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ, bao gồm quản lý kho hàng theo địa điểm, tiếp thị chính xác và thậm chí cả hệ thống thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt. Giành được các nhà bán lẻ sẽ là mục tiêu tối thượng, bởi công nghệ chia sẻ dữ liệu sẽ phụ thuộc cả hai chiều, mặc dù công bằng mà nói thì các thương hiệu chẳng có nhiều lựa chọn.

“Chẳng nhà bán lẻ nào muốn tiến vào một kênh mà họ không thể kiểm soát và buộc phải cạnh tranh khốc liệt. Nhưng ở Trung Quốc, do JD và Alibaba thống trị thị trường, các hãng bán lẻ không còn lựa chọn nào. Nếu họ không gia nhập cuộc chơi, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội”, Sicheng Peng, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của 7thonline, một công ty chuyên giúp các thương hiệu dệt may Trung Quốc quản lý kho xưởng và tối ưu hóa hoạt động phân tích.

Chí Phong/Theo Deal Street Asia
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: