Ngày 30/10, thi hài chị Nguyễn Thị Hồng được đưa về quê hương trong niềm thương tiếc đau xót của người thân và làng xóm.
Ngày 30/10, thi hài chị Nguyễn Thị Hồng được đưa về quê hương trong niềm thương tiếc đau xót của người thân và làng xóm.
Nhiều người cho rằng nếu như chị Hồng đi XKLĐ theo con đường chính thống thì có lẽ mọi việc đau lòng sẽ không phải xảy ra.
3 đứa con chị Hồng ngất lên ngất xuống khi biết mẹ qua đời.
Ảnh: Hồ Hà
Vong mạng
Chúng tôi trở lại Cương Gián, Nghi Xuân khi thi thể của nạn nhân đã được đưa về nhà. Nén nỗi đau, anh Hùng nói: "Do vợ tôi chết thời gian có lẽ là quá lâu, tình trạng lại đông cứng nên tôi cũng không thể phỏng đoán được nguyên nhân vì sao. Dấu hiệu để tôi nhận ra vợ mình là vết sẹo ở ngang thái dương".
Nói về cái chết uẩn khúc của chị Hồng, con rể Nguyễn Bá Huy, người đã sang Malaysia cùng với người của Công ty Tân Trường Sơn để đưa thi thể mẹ vợ về cho biết: "Ngay khi sang Malaysia, tôi được đưa đến bệnh viện để nhận thi thể trong phòng lạnh. Tôi đã đề xuất với người của Công ty Tân Trường Sơn xin gặp ông chủ và nhận lại giấy tờ, đồ đạc tư trang của mẹ nhưng không được. Lúc này, người của Công ty Tân Trường Sơn chỉ trả lời quanh co, lúc thì nói là ông chủ chết, lúc lại nói là không thể liên lạc được với gia đình họ".
Ngày 28/10, nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, thi hài của chị Hồng đã được đưa về Hà Nội. Theo giấy chứng tử do Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và giấy xác nhận của bệnh viện Termelo, Malaysia cũng như giấy xác nhận của cảnh sát giao thông nước này thì nguyên nhân chị Hồng chết được xác định là tai nạn giao thông. "Có lẽ vợ tui chết vì tai nạn giao thông thật nhưng chết đến 2 tháng rồi, công ty ở Việt Nam mới báo cho gia đình. Thật là đau xót và khó hiểu", anh Hùng nói: Tuy nhiên, theo anh Hùng do việc đi XKLĐ "mập mờ" nên việc thanh lý hợp đồng lao động (tiền bảo hiểm, tiền quỹ hỗ trợ tai nạn rủi ro khi lao động ở nước ngoài...) theo qui định không được thực hiện.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Văn Cảnh, Đội trưởng đội an ninh điều tra Công an huyện Nghi Xuân cho biết: "Hiện chúng tôi mới chỉ lấy lời khai từ hai bên là gia đình nạn nhân và gia đình anh Phan Văn Thành (người môi giới cho chị Hồng đi XKLĐ - PV). Cơ quan điều tra cũng không đủ căn cứ nào hơn ngoài hành vi môi giới của vợ chồng này và mức độ xử phạt chỉ là hành chính. Liên quan đến cái chết của chị Hồng thì quả thực vượt quá thẩm quyền của Công an huyện. Chúng tôi sẽ báo cáo vụ việc lên Công an tỉnh. Tôi nghĩ bây giờ gia đình nạn nhân phải gửi đơn sang cho Công an tỉnh Nghệ An để họ vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của Công ty Tân Trường Sơn do công ty này có trụ sở tại Nghệ An".
Hợp đồng miệng
Sau nhiều lần cố gắng liên lạc, chiều ngày 1/11, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đậu Viết Hồng - Giám đốc Công ty Thương mại XKLĐ Tân Trường Sơn. Ông Hồng cho biết: "Theo hợp đồng bằng miệng với một môi giới tên là LIM SIEW FONG, rồi qua vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành giới thiệu, Công ty đã kí hợp đồng với chị Hồng và chị Sen tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân đi XKLĐ ở Malaysia làm nội trợ giúp việc. Ngày 26/7 họ xuất cảnh, khoảng 1 tháng sau, người nhà của chị Hồng đến trụ sở công ty thắc mắc sao không có tin tức gì. Lúc này chúng tôi có liên lạc sang Malaysia nhưng họ không nghe máy. Sau đó thì có tin nhắn trả lời từ số máy 0060123478388 là sẽ điện thoại lại sau 20 phút nữa nhưng rồi vẫn bặt vô âm tín.
Nhận thấy có điều bất thường, tôi đã trực tiếp sang Malaysia. Nhưng khi tìm đến địa chỉ Lim TENGSANG. No.9JaLan Besar KuaLa. Krau, Jemerloh, Jerloh. 285050, Pahay. Malaysya - nơi chị Hồng làm việc thì không gặp được ai. Đến khi trực tiếp làm việc với cảnh sát địa phương thì nhận được thông tin là gia đình đó gồm 3 người đã bị tai nạn và trong đó có chị Hồng đã chết. Lúc này, tôi lập tức báo về với gia đình chị Hồng. Đây là sự việc ngoài ý muốn nên Công ty đã đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn để đưa được thi thể chị Hồng về đến quê hương". Giải thích vì sao đưa người đi XKLĐ lại không mất phí, anh Hồng trả lời: "Đối với thị trường đi XKLĐ làm nội trợ giúp việc thì phía bên kia tự bỏ tiền".
Đề cập đến hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động ở Malaysia với chị Hồng thì đại diện Công ty Tân Trường Sơn lại tỏ ra khá lúng túng. Sau một hồi, vị giám đốc này trình ra một hợp đồng môi giới giữa Công ty Tân Trường Sơn và chị Hồng mà không có hợp đồng nào khác. "Do chủ quan nên chúng tôi mới ký hợp đồng miệng với đối tác ở Malaysia, giờ xảy ra chuyện thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi đã rất cố gắng để liên lạc với người môi giới ở Malaysia nhưng người này đang bỏ trốn. Hiện chúng tôi đang nhờ cảnh sát địa phương tìm kiếm người này để làm rõ trách nhiệm" - Giám đốc Hồng khẳng định.
Liên quan đến Công ty Tân Trường Sơn, ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động việc làm - Sở LĐ,TB&XH Nghệ An cho biết: "Công ty này chưa hề đăng ký hoạt động xuất khẩu lao động". Trả lời câu hỏi vì sao Sở chưa bao giờ kiểm tra đơn vị này, ông Dương giải thích: Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cấp phép nên Sở LĐ,TB&XH đâu biết mà kiểm tra hết được. Đặc thù của những công ty kiểu này thường hay thay đổi địa điểm, nay họ thuê đặt văn phòng ở địa chỉ này, mai lại có thể thay đổi chỗ khác nên Sở cũng không thể kiểm tra hết được".
Hồ Hà
Theo Giadinh