Sự kiện hot
12 năm trước

Vụ tàu cá bị Trung Quốc bắn cháy: Cảnh báo về bước leo thang mới

“Từ xa xưa đến nay, những người đi biển đã chia sẻ khó khăn với nhau, cứu giúp, cưu mang nhau; nên có thể khẳng định hành vi của Trung Quốc là trái đạo lý” .

“Từ xa xưa đến nay, những người đi biển đã chia sẻ khó khăn với nhau, cứu giúp, cưu mang nhau; nên có thể khẳng định hành vi của Trung Quốc là trái đạo lý” .

TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định như vậy về việc tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam hôm 20.3

Theo ông, hành động dùng vũ lực vừa rồi của tàu hải quân Trung Quốc có phải là bước leo thang mới trong chiến lược khống chế Biển Đông?

- Sự kiện tàu có vũ trang của Trung Quốc bắn cháy nóc tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Thứ nhất, hành vi này đã vi phạm tới chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm các quyền chính đáng của Việt Nam với các vùng biển liên quan mà chúng ta có quyền hợp pháp theo Công ước Luật Biển 1982.

Hành động dùng vũ lực đối với những ngư dân không có một tấc sắt trong tay, làm ăn chính đáng trên vùng biển của mình, cũng không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Hiến chương Liên Hợp Quốc đã nghiêm cấm hành vi sử dụng vũ lực để xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của công dân nước khác. Đặc biệt, Luật Biển cũng quy định rõ, nếu những hoạt động trên biển của các ngư dân có vi phạm tới vùng biển của nước khác thì việc xử lý những vi phạm đó cũng phải theo thủ tục pháp lý, phải thông báo cho nước liên quan, tuyệt đối nghiêm cấm việc bắt bớ, giam cầm ngư dân chứ chưa nói tới chuyện dùng vũ lực để đe dọa tính mạng, gây tổn thất cho tài sản, thậm chí là cả tính mạng của ngư dân.

Hành vi của phía Trung Quốc có trái đạo đức truyền thống của người đi biển?

- Đúng. Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, những người đi biển đã chia sẻ khó khăn với nhau để cùng chống lại thiên tai, nhân tai, phải cứu giúp và cưu mang nhau. Nên có thể khẳng định đây là hành vi trái đạo lý của Trung Quốc. Và có thể coi là một bước leo thang mới hết sức nghiêm trọng của phía Trung Quốc trong tính toán chiến lược của họ là dần dần khống chế biển Đông.


Tàu cá QNg - 96382 bị cháy trụi ca bin do tàu Trung Quốc tấn công.

Về phía Việt Nam, dường như chúng ta còn thiếu những biện pháp cụ thể và thiết thực hơn để bảo vệ cho ngư dân ra khơi an toàn?

- Đây cũng là một điều trăn trở và là câu hỏi của rất nhiều người Việt Nam đặt ra cho các cơ quan quản lý. Người ta cho rằng Nhà nước phải bảo vệ bằng được công dân của mình khi họ khai thác trên vùng biển chủ quyền của đất nước.

Theo tôi, các lực lượng chức năng của chúng ta cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng vẫn là chưa đủ để có thể bảo vệ tất cả các con tàu nhỏ nhoi của ngư dân khi đánh cá trên biển. Chúng ta không thể hô khẩu hiệu mãi, để người dân tự ra biển bảo vệ chủ quyền, mà phải tăng cường các biện pháp thực tế, phải tăng cường sự giám sát, hiện diện của các lực lượng chức năng. Làm ăn trên vùng biển phức tạp thì phải có đội hình, đội ngũ cần thiết để có thể hỗ trợ nhau khi khó khăn.

- Xin cám ơn TS!

Cần tăng cường sự hiện diện của lực lượng chức năng

Ngày 26.3, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, ngoài việc đàm phán, Chính phủ Việt Nam cần có hành động tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chức năng để đảm bảo không có sự việc nghiêm trọng xảy ra giúp bà con yên tâm ra khơi đánh bắt cá.

Hội đề nghị các cơ quan chức năng cần lên tiếng phản đối và có biện pháp thật quyết liệt, hiệu quả nhằm bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân trên biển, góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

TX

Hải Phong
theo Dân Việt

Từ khóa: