Sự kiện hot
9 năm trước

Vui buồn một năm nhìn lại hệ thống ngân hàng Việt Nam

ĐS&TD - Năm 2014 đánh dấu nhiều sự kiện nổi bật trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, tiêu biểu là nhiều “sàn vàng chui” bị đánh sập, một số lãnh đạo ngân hàng bị bắt do vi phạm pháp luật, hai vụ đại án “bầu” Kiên (Nguyễn Đức Kiên) và “siêu lừa” Huyền Như được đưa ra ánh sáng. Các Báo cáo tài chính công bố mới nhất (quý 3/2014) cũng phản ánh bức tranh ngân hàng với những mảng màu đa sắc.


Trong các sự kiện ngành ngân hàng 2014, Nguyễn Đức Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như - hai nhân vật nổi cộm trong vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng

Nhiều biến động lớn

Đánh dấu sự biến động lớn nhất năm 2014, các sàn vàng chui lần lượt bị đánh sập thêm vào đó, các lãnh đạo cấp cao một số ngân hàng thương mại đua nhau “hội ngộ” trong tù do vi phạm pháp luật, hai vụ án kinh tế lớn nhất nước là đại án “bầu” Kiên và “siêu lừa” Huyền Như cũng được đưa ra xét xử.

Cuối năm 2014 liên tiếp 2 “ổ” kinh doanh “vàng ảo” trái phép qua mạng bị phát hiện khi Cục Cảnh sát hình sự (C45) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) thực hiện bắt khẩn cấp ông Vũ Đức Hiếu, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư VGX và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, kế toán trưởng để điều tra hành vi kinh doanh vàng trái phép (bị bắt ngày 26/9). Ngày 1/10, C45 cũng đã phối hợp với C50 khám xét văn phòng Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái để làm rõ hành vi kinh doanh vàng trái phép. Tại đây, Cơ quan công an cũng đã thu giữ rất nhiều tài liệu liên quan đến kinh doanh vàng trái phép của công ty này.

Bên cạnh các sàn vàng chui bị đánh sập, năm 2014 cũng đánh dấu nhiều bước ngoặc lớn trong việc thanh lọc bộ máy ngân hàng khi liên tiếp các sai phạm của lãnh đạo ngân hàng bị phanh phui.

Ngày 29/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) - người được giới ngân hàng biết đến với “sáng kiến” gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho bất động sản. Bị bắt giam cùng ông Danh còn có nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng này, ông Phan Thành Mai và ông Mai Hữu Khương, thành viên HĐQT.

Ngày 20/9, ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) bị bắt giam để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau một thời gian dài xét xử, chiều ngày 15/12 đại án “bầu” Kiên cũng đến hồi kết, tại phiên tòa xử phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị kết án tổng cộng 30 năm tù giam do các hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với Nguyễn Đức Kiên, còn có Lý Xuân Hải (8 năm tù); Lê Vũ Kỳ (4 năm tù); Trịnh Kim Quang (4 năm tù); Phạm Trung Cang (3 năm tù) và Huỳnh Quang Tuấn (2 năm tù) cũng chịu xử phạt thích đáng.

Mới đây nhất, ngày 24/10, vụ bắt giam đối với ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã một lần nữa gây rúng động dư luận, theo như tài liệu điều tra và kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) cho rằng “Có đủ căn cứ xác định ông Thắm phạm tội vi phạm quy định về việc cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo điều 179 Bộ luật hình sự”.

Bên cạnh những “sếp lớn” ngân hàng vi phạm pháp luật và “hội ngộ” trong tù, những phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do nhân viên ngân hàng gây ra cũng khiến nhiều người bức xúc. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng từ cá nhân, tổ chức tín dụng sau một năm phiên tòa sơ thẩm, ngày 15/12 vừa qua phiên tòa xử phúc thẩm cũng bắt đầu diễn ra, nhiều “nạn nhân” khóc ròng mong muốn lấy lại số tiền bị lừa, tuy nhiên, điều này có vẻ quá xa vời.

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng

Nói về tình hình kinh doanh các ngân hàng trong năm 2014, quý 3/2014 - Báo cáo tài chính mới nhất các ngân hàng đã phản ánh những mảng màu đa sắc khi có ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhưng cũng có ngân hàng báo lỗ.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm tăng lần lượt 177,94% và 237% so với cùng kỳ. Một số ngân hàng khác cũng có lợi nhuận tăng rõ rệt như Vietcombank, MB, Sacombank, VPBank, VIB…

Bên cạnh những ngân hàng có lợi nhuận tăng cao rõ rệt thì vẫn tồn tại một số ngân hàng có kết quả kinh doanh kém như: DongA Bank, LienVietPostBank, Maritime Bank, ABBank. Trong quý 3/2014, DongA Bank là ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong hệ thống. Kế đến, một số ngân hàng như LienVietPostBank, Maritime Bank cũng có kết quả kinh doanh không được khả quan dẫn đến việc những ngân hàng này “giấu” Thuyết minh Báo cáo tài chính khiến nhà đầu tư mơ hồ về tình hình kinh doanh cũng như nợ xấu ngân hàng mình đầu tư trong thời gian qua.

Nhiều “cải cách” mới ra đời

Năm 2014 cũng đánh dấu nhiều bước ngoặc khi NHNN ban hành các quyết định giảm trần lãi suất, các Thông tư, các chính sách mới nhằm giúp kiểm soát tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo của các ngân hàng.

Cuối năm 2014, NHNN ban hành Thông tư 36, đây được xem là một bước ngoặt lớn trong cải cách hệ thống ngân hàng nói chung. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 và sẽ thay thế hàng loạt văn bản quy định trước đây như Quyết định số 03/2008; Thông tư 15/2009; Thông tư 13&19/2010 và Thông tư 22/2011 liên quan đến chiết khấu giấy tờ có giá… Theo đó, Thông tư 36 sẽ siết chặt hơn các tổ chức phi ngân hàng, không cho vay cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ, giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đồng thời siết chặt sở hữu chéo.

Đối với vấn đề nợ xấu, đây là một vấn đề muôn thủa tại các ngân hàng, trong năm 2014, nhiều ngân hàng “ra sức” kiềm chế nợ xấu ở mức thấp và có hiệu quả như Techcombank, VIB, Nam A Bank, Sacombank, Vietcombank…

Bên cạnh đó, Thông tư 09 (có hiệu lực từ 20/3/2014) ra đời như một “chiếc phao” siết chặt dần tình trạng nợ xấu. Thông tư 09 dựa trên sửa đổi của Thông tư 02 theo đó, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình tuy nhiên, chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với một khoản nợ. Điều này đồng nghĩa với việc, đối với một khoản nợ, ngân hàng chỉ được cấu trúc lại một lần duy nhất, và hiển nhiên, khi khách hàng không thể trả được nợ khi đến hạng ngân hàng bắt buộc phải chuyển nhóm nợ.

Ông Trần Nhất Minh, Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc VIB chia sẻ: “Trong những năm qua, VIB trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng và áp dụng những tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của các đối tác chiến lược vấn đề nợ xấu đang dần dần từng bước xử lý nợ khá là tốt. Khách hàng doanh nghiệp được áp dụng cách đây 2 năm, bây giờ là tín dụng tập trung thì nợ xấu đối với khoản nợ mới chưa đến 1%. Để xử lý nợ xấu thì VIB tự tin có thể làm được”.

M&A đành… lỡ hẹn

Hòa cùng không khí mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các tổ chức tín dụng, từ đầu năm 2014 nhiều ngân hàng cũng đã “bận rộn” cho việc lên kế hoạch M&A như Sacombank - Southern Bank, Maritime Bank - MDB… Tuy nhiên, đến kết thúc năm thì giấc mơ này vẫn chưa thực hiện được.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2014 của Sacombank, đại hội đã thống nhất việc Southern Bank sáp nhập vào Sacombank, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì việc sáp nhập này vẫn chưa nhận được sự đồng ý của NHNN.

Cũng giống như Sacombank và Southern Bank, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên vào ngày 19/4, kế hoạch sáp nhập MDB vào Maritime Bank cũng được ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT Maritime Bank công bố tuy nhiên, kế hoạch này cũng chưa thể thực hiện được.

Sau việc lãnh đạo cấp cao bị bắt giam, VNCB dường như đang nằm trong trạng thái “chơi với” cần một sự giúp đỡ tài chính. Trong lúc này, ngày 1/8, Vietcombank đã ra tay giúp đỡ VNCB khi ký hợp tác toàn diện giữa 2 ngân hàng. Việc này khiến không ít người trong giới tài chính tin rằng, “đối tượng” Vietcombank đang nhắm tới trong việc cho sáp nhập là VNCB. Được biết, ngày 25/12 vừa qua, tại ĐHCĐ bất thường, ban lãnh đạo Vietcombank cũng đã trình cổ đông chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng vào ngân hàng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra ngày 24/12/2014 đã công bố những chỉ tiêu kế hoạch cụ thể của ngành trong năm 2015. Theo đó, mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì như hiện nay, nếu điều kiện sẽ được điều chỉnh giảm. Cùng với đó, tỷ giá sẽ tiếp được giữ ổn định trong biên độ +/- 2%, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 sẽ là 13-15%, tỷ lệ nợ xấu sẽ được đưa về 3%.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam chia sẻ: “Năm 2015, nhiệm vụ, chỉ tiêu Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao như kiềm chế lạm phát dưới mức 5%, tăng trưởng kinh tế 6,2%, tiếp tục ổn định tỷ giá, nếu có điều kiện giảm tiếp lãi suất..., nếu so với năm 2014 có vẻ như không quá khó. Nhưng để thực hiện được những chỉ tiêu đó hoàn toàn không dễ”.

NGỌC DIỄM - NGUYỄN NHƯ

Từ khóa: