Sự kiện hot
13 năm trước

Vững vàng phên dậu, thảnh thơi thoát nghèo

Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới” của tỉnh Cao Bằng bắt đầu thực hiện năm 1997. Từ phong trào này, không chỉ phên dậu quốc gia thêm vững chắc mà bà con còn thoát được đói nghèo.

Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới” của tỉnh Cao Bằng bắt đầu thực hiện năm 1997. Từ phong trào này, không chỉ phên dậu quốc gia thêm vững chắc mà bà con còn thoát được đói nghèo.

Đến nơi khởi nguồn

Các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Tà Lùng đưa chúng tôi tới khu vực biên giới của thôn Nà Chào, xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hòa. Hôm đó đúng vào ngày gia đình anh Định Văn Phương đang thu hoạch mía bên thửa ruộng giáp đường biên. Cách đây 15 năm, mảnh đất này là những bụi cây lúp xúp nhưng tới nay nó đã thành ruộng màu mỡ.


Cán bộ, chiến sĩ cùng người dân thôn Nà Chào, xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hòa tuần tra bảo vệ biên giới.

Thấy tôi nâng cây mía lên đoán trọng lượng, anh Phương hồ hởi cho biết: “Một cây khoảng 3kg, nhà tôi có 5 sào mía cho thu hoạch 10-12 tấn, nhà máy đường Phục Hòa mua với giá 700.000 đồng/tấn, trừ các khoản chi phí mỗi vụ lãi hơn 4 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn tổ chức trồng ngô, lúa ở những thửa rộng giáp biên mỗi năm thu hoạch gần 6 tấn lương thực”.

Ông Hoàng Ký Nhật- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hưng, khẳng định: “Ngày trước 6 gia đình được giao quản lý đường biên của xã thuộc diện hộ nghèo nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nhờ tăng gia sản xuất giáp đường biên họ đã vươn lên thành hộ khá, hộ giàu”.

Gặp gỡ với các đồng chí trong Ban chỉ huy Đồn biên phòng cửa khẩu Tà Lùng, với cấp ủy, chính quyền địa phương và một số người dân trong thôn Nà Chào chúng tôi được biết, trước đây trên địa bàn khu vực biên giới của xã, tình hình an ninh chính trị rất phức tạp, tệ nạn buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu vẫn thường xuyên xảy ra khiến lực lượng biên phòng quản lý đường biên gặp không ít khó khăn. Năm 1997 được sự nhất trí của Bộ CHBP tỉnh Cao Bằng, Đồn biên phòng cửa khẩu Tà Lùng đã phối hợp với chính quyền xã Mỹ Hưng xây dựng quy chế hoạt động của phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới”.

Làm giàu nhờ bộ đội

Ngày đầu các hộ dân không mấy hào hứng, vì họ không biết sẽ thu được gì khi nhận bàn giao đất từ chính quyền và đồn biên phòng. Trong khi đó một số đối tượng buôn lậu đã đánh tiếng “dọa dẫm”. Đồn biên phòng đã phối hợp với UBND xã Mỹ Hưng cử cán bộ, chiến sĩ cùng các tổ chức đoàn thể địa phương đến từng hộ gia đình tuyên truyền, giải thích, vận động và điều tra, triệt phá các nguồn tin không “hợp tác”.

Đồn biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức giao đất cho dân quản lý ngay tại đường biên và tư vấn cho bà con nên trồng cây gì cho năng suất cao, hướng dẫn đồng bào phương pháp canh tác. Trong các buổi sinh hoạt thôn cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng phổ biến cách nắm tình hình an ninh chính trị, quy định cụ thể thời gian đi tuần, địa điểm và cách báo tin. Khi bà con làm theo phương pháp của bộ đội, thấy năng suất lao động tăng cao, tình hình an ninh chính trị ổn định hơn, người dân ngày càng tích cực tăng gia sản xuất cải thiện đời sống và hăng hái tuần tra bảo vệ biên giới.

Tại khu vực biên giới của thôn Nà Chào chúng tôi có gặp anh Hứa Văn Minh, là một trong 6 hộ dân được giao quản lý đường biên đang thu hoạch ngô cao sản, anh Minh tâm sự: “Trông coi đường biên, cột mốc ngay trên mảnh đất mình tăng gia sản xuất vừa bảo vệ được đất cho Tổ quốc lại làm ra nhiều lúa ngô, tôi thấy rất hạnh phúc”.

Từ những gia đình tham gia quản lý đường biên thoát nghèo đã khích lệ các gia đình khác trong xóm, trong xã phấn đấu tăng gia sản xuất và cùng bộ đội bảo vệ an ninh chính trị địa bàn. Tới nay hơn nửa số hộ dân của xã Mỹ Hưng đã mua được xe máy... Ông Hoàng Tiến Khang - Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa, khẳng định: “Người dân tham gia cùng bộ đội biên phòng quản lý đường biên, mốc giới đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế, xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương”.

Triển khai rộng khắp

Đại tá Phùng Quốc Tuấn - Phó Chính ủy Bộ CHBP tỉnh Cao Bằng cho biết, tới nay phong trào đã được triển khai rộng khắp, người dân trên toàn tuyến biên giới hào hứng đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc giới.

Từ phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới” nhân dân vùng biên tỉnh Cao Bằng đã phát hiện và cung cấp cho bộ đội biên phòng 6.408 nguồn tin. Bà con các xã giáp biên đã phối hợp với các đồn biên phòng xử lý kịp thời 335 vụ gây rối trật tự công cộng, 200 vụ trộm cắp tài sản, bắt giữ 13 đối tượng buôn bán phụ nữa, 68 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán chất ma túy. Thực hiện phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới”, tỉnh Cao Bằng đã có 1.500 hộ gia đình vùng biên thoát nghèo, 230 hộ vươn lên thành hộ khá, hộ giàu.

Hiện nay, việc giao đất, cột mốc tự quản được tiến hành ngay trên thực địa, với sự có mặt của đại diện đồn biên phòng, cấp ủy, chính quyền xã, người dân trong xóm, thôn. Tại đó, lịch sử, thực trạng hệ thống đường biên, cột mốc được cán bộ, chiến sĩ các già làng, trưởng bản, những người am hiểu lịch sử của địa phương tuyên truyền giới thiệu cho nhân dân để mọi người biết, cùng có trách nhiệm tự quản.

Khu vực đất canh tác cán bộ đồn biên phòng đã cùng với các đoàn thể địa phương hướng dẫn nhân dân trồng cây lương thực, cây nông sản, cây công nghiệp theo mùa vụ. Những nơi không có dân cư sinh sống, bộ đội biên phòng và địa phương đã vận động người dân các xóm, bản liền kề tham gia tự quản. Khu vực còn bom mìn, chưa phân giới cắm mốc, khi rà phá, phân giới đến đâu vận động nhân dân tự quản đến đó. Ngoài ra, đồn biên phòng còn tham mưu cho địa phương hỗ trợ các gia đình tham gia tự quản đường biên, cột mốc mỗi năm 60kg gạo và kịp thời biểu dương khen thưởng những gia đình và cá nhân thực hiện tốt.

Đặng Minh Khia
theo Dân Việt

Từ khóa: