Khu vườn không chỉ có hoa hồng mà còn có cả tâm huyết và niềm đam mê cháy bỏng, muốn trồng được những cây hồng thật đẹp, thật sai hoa và thật rực rỡ của chủ nhân Đào Duy Trường.
Anh Đào Duy Trường vốn là một thạc sỹ nông nghiệp đã từng công tác 4 năm tại Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề, học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vì yêu hồng, vì muốn thực hiện đam mê của mình nên anh đã quyết tâm rời bỏ công việc khá ổn định để… về quê trồng hồng.
Anh Trường từng biết đến hoa hồng từ năm 2013 từ một chị bạn chơi hoa ở một hội nhóm yêu hoa hồng trên mạng xã hội. Từ đó, anh bắt đầu trồng những cây hồng đầu tiên và phát hiện ra rằng, cuộc sống của anh về sau chắc hẳn sẽ gắn bó với loài hoa vô cùng quen thuộc nhưng cũng vô cùng đặc biệt này.
Anh Duy Trường hạnh phúc với quyết định dành trọn thời gian cho niềm đam mê của mình.
Con của anh cũng rất thích vườn hoa bố trồng.
Những gốc hồng rực rỡ.
Hàng rào hoa đẹp mê hoặc do chính tay anh Trường và người nhà chăm sóc.
f
Anh Duy Trường bên giàn hoa hồng ngoại rực rỡ tự tay mình trồng.
Thời gian đầu trồng hồng, anh Duy Trường gặp nhiều khó khăn, sự hiểu biết về giống, kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc, phân bón đều chưa rõ, mọi kỹ năng của anh đều dựa trên sách vở mà chưa có thực tế, nên việc chăm sóc cây rất khó khăn. Để thực hiện niềm đam mê của mình, anh Duy Trường quyết tâm khắc phục bằng cách bắt đầu sưu tầm giống hồng trong và ngoài nước rồi thuần hóa cây theo đặc điểm khí hậu miền Bắc. Đồng thời, nắm bắt được khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. Dần dần tạo nên một quy trình chăm sóc cây chuyên nghiệp như hiện tại.
Anh Duy Trường hiện tại sở hữu hai vườn hồng, một vườn 3000m2 ở Thường Tín, Hà Nội và vườn 13000m2 ở Cao Bằng. Ở hai khu vườn ấy, anh trồng khoảng 4000 gốc với hơn 50 giống hồng. Anh Trường thường dành thời gian chăm sóc vườn mỗi ngày khoảng 5 tiếng: công việc chủ yếu là tưới nước, cắt tỉa hoa tàn.
Để chăm sóc cây đẹp, sai hoa, khỏe mạnh cần chú ý đến giá thể trồng, giống hoa, phân bón và cách cắt tỉa hoa sao cho kịp thời. Đối với hồng bụi, anh Trường khuyên nên chọn những giống đã được thuần hóa qua điều kiện khí hậu ở Việt Nam 1 năm 6 tháng, tức cây qua 5 mùa thì sẽ nắm được rõ đặc điểm sinh trưởng và phát triển. Đối với hồng leo, anh Trường cần từ 3 năm trở lên khi cây già thì cành nhiều và sai hoa mới nắm bắt được độ sai hoa của cây.
Về giá thể, anh Trường khuyên nên chọn giá thể thoáng và nhẹ, anh sử dụng đất thịt 30%, xơ dừa, phân gà hoai mục, phân bò hoai mục, trấu hun, xỉ than 70% nên cây khi trồng thường phát triển ổn định.
Ngoài ra, hồng cần chăm sóc kỹ lưỡng với cách bón phân định kỳ như NPK, kích thích rễ, kích thích chồi, phân hữu cơ: bò, gà, dê, trùn quế… Để hồng sai hoa, khỏe mạnh, anh Trường còn lưu ý nên chú ý đến việc cắt tỉa hoa. Sau khi hoa tàn với hồng bụi thấp nên bấm từ hoa dưới 3 đốt lá, hoặc từ điểm bật mầm ra 3 đốt lá.
Để cây ra hoa đẹp và không bị sâu bệnh hại, cần chú ý một vài vấn đề. Về tưới nước, mùa hè anh thường tưới 2 ngày/ lần, tưới thật đẫm để tránh việc cây bị chết héo. Các mùa khác trong năm thì tùy điều kiện thời tiết để tưới với số lần phù hợp. Anh chia sẻ, có thể dùng vòi xịt để xịt cho cây sạch trĩ, nhện. Về bón phân: định kỳ 10-15 ngày/1 lần với phân vô cơ, và 30 ngày/1 lần với phân hữu cơ. Về phòng trừ sâu bệnh hại phun phòng định kỳ 7-10 ngày/1 lần với bệnh hoặc sâu hại.
Qua nhiều ngày tháng vất vả chăm cây, anh Đào Trường nhận thấy rằng, cứ yêu hoa thực sự, nỗ lực bằng cả tâm huyết của mình, chắc chắn sẽ có được những món quà tuyệt vời nhất, là hương thơm và sắc màu của cuộc sống dành tặng.
Thu Thảo - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi