Dantin - Cùng với âm thanh giục giã của tiếng trống, tiếng người thi nhau hò hét cổ vũ…. Các “ông trâu” như những đấu sĩ thi nhau trổ tài bằng những miếng đánh độc sở trường của mình nhằm hạ gục đối phương một cách sớm nhất.
Dantin - Cùng với âm thanh giục giã của tiếng trống, tiếng người thi nhau hò hét cổ vũ…. Các “ông trâu” như những đấu sĩ thi nhau trổ tài bằng những miếng đánh độc sở trường của mình nhằm hạ gục đối phương một cách sớm nhất. Đó là ngày hội thường chỉ diễn ra vào ngày 9 tháng 8 âm lịch hàng năm tại sân vận động Đồ Sơn thuộc quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng).
Dường như đã thành một thông lệ, khi mùa lễ hội chọi trâu vừa kết thúc, để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm sau, người dân Đồ Sơn có niềm đam mê với thú vui này lại bắt đầu một cuộc hành trình. Hành trang gọn nhẹ trên vai, họ toả đi khắp các vùng, các địa phương trên cả nước để tìm được những chú trâu chọi như mong muốn. Vùng mà dân chơi trâu thường hướng tới là các vùng miền núi phía bắc như Tuyên Quang, Hà giang , Cao Bằng, Bắc Cạn…hoặc xuôi vào trong như Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định có khi về tận Đồng Bằng sông Cửu Long.
Không dừng lại ở đó, trong một vài năm gần đây khi trâu chọi trong nước bắt đầu khan hiếm người chơi trâu Đồ Sơn còn bắt đầu tìm sang cả nước bạn như Lào, Mianma… để có được những chú trâu trọi ưng ý nhất. Và như một cuộc chơi đầy may rủi, không phải cuộc đi nào cũng thành công. Không ít những cuộc tìm kiếm trâu hàng tháng tại các vùng xa xôi nhưng có nhiều cuộc chở về kết quả vẫn chỉ là đôi bàn tay trắng. Nhiều khi gặp được những chú trâu ưng ý nhưng cũng phải ăn chực nằm chờ và thuyết phục đợi đến khi gia chủ đổi ý mà bán lại trâu cho mình. Trong suy nghĩ của những người dân biển chót nặng lòng với thú chơi độc đáo này thì việc chưa tìm được trâu như mong muốn đối với họ đó chỉ là do duyên may của mình chưa tới và hi vọng vào những chuyến đi mới. Trong những cuộc hành trình đi tìm và tuyển chọn trâu chiến đó, thợ tuyển “ngưu chiến” đều là những “ lão nông” quanh năm gắn bó với tay cuốc tay cày có trong mình cả một bề dày kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua cũng biết đặc tính và điểm mạnh của từng ngưu thủ. Đánh giá về một trâu chiến tốt người chơi trâu thường dựa vào nhiều tiêu chí, về các tổng thể hài hoà để tạo ra vẻ cân đối cho toàn bộ cơ thể và ẩn chứa những phẩm chất của trâu như: khoang khoáy đều, đầu to, đít nhót, đuôi trai, cổ cò, sừng cân và vểnh đều về phía trước, mình thon, mắt nhỏ và mi mắt rậm. Và dường như chỉ có những người trong nghề mới hiểu hết những miếng đánh, sự khôn ngoan gan lỳ ẩn chứa trong những đặc điểm của trâu.
Tâm sự với chúng tôi, anh Lê Văn Duy tại phường Vạn Sơn, người có trâu số 25 vừa giành chức vô địch năm 2012 cho biết: Việc “ xem tướng trâu” thực là một điều rất khó. Ngoài việc đạt tiêu chuẩn về thể hình thì các yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng như sừng phải cong đều và vểnh về phía trước thì trong khi giao chiến trâu mới có thể tiếp cận được vào vùng mắt của đối phương hoặc tung được ra những miếng cáng hầu có thể khiến đối thủ khiếp sợ mà bỏ chạy. “Hay như mắt nhỏ và mi mắt rậm là do mắt vốn có cấu tạo từ thể hình cầu lồi, vì vậy khi mắt nhỏ sẽ khiến trâu chọi nhìn đối thủ nhỏ hơn tạo ra một sự tự tin muốn đoạt mạng đối thủ ngay khi giáp chiến. Da trâu phải dày, lông to và đen bóng, chân ngắn săn chắc và có bộ móng thật khít… Nếu như hội tụ được các đặc điểm trên thì trâu chọi đó sẽ có nhiều đòn đánh độc hiểm, can trường, lỳ lợm chiến đấu đến chết chứ nhất định không chịu bỏ chạy”, anh Duy nói. Đối với người săn trâu chọi thì việc mua trâu có sẹo phía sau mông là điều tối kỵ nhất. Dù đạt tất cả các yêu cầu đề ra nhưng chỉ nhìn thấy vết sẹo đó thì coi như giá trị của nó cũng chỉ như con số không bởi theo lý giải thật đơn giản của họ thì chỉ có trâu bị thua sau khi bỏ chạy bị đối thủ rượt đuổi húc từ phía sau mới có vết sẹo này.
Muốn tậu được một “ ông trâu” tốt người chơi phải bỏ ra từ 100 đến 150 triệu đồng và ngoài công đưa trâu về đến nhà thì lộ phí dọc đường cũng mất thêm từ 5 đến 10 triệu đồng. Bên cạnh đó là công thuê người chăm sóc “ chiến ngưu”, mỗi tháng người chơi phải trả từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Như vậy mỗi mùa giải nếu như tham dự lễ hội mỗi “ ông châu” này sẽ tiêu tốn của chủ nhân khoảng hơn 200 triệu đồng. Trâu tốt khó kiếm, hành trình khó khăn, chăm sóc công phu là vậy nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự quyết tâm tìm kiếm của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ nơi đây. Được cống hiến cho du khách những kháp đấu mãn nhãn, thể hiện được nét đẹp văn hoá và “món ăn” tinh thần mà nó mang lại mới thực sự là điều thiêng liêng và là niềm tự hào của mỗi người con đất biển.
Xuân Nhuận