Sự kiện hot
3 năm trước

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn khoảng 4,8% năm 2021

Việt Nam đang phải chịu tác động nặng nề hơn của đại dịch COVID-19. dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 giảm còn 4,8%.

Trong khi năm 2020, Việt Nam được các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá là nước có cơ hội phục hồi kinh tế cao, đồng thời giúp đỡ các nước láng giềng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho Việt Nam thì trong năm 2021, Việt Nam gần như phải đối mặt với sự “kiệt quệ kinh tế”.

Trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này nhận định Việt Nam đang phải chịu tác động nặng nề hơn của đại dịch COVID-19 và đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 giảm còn 4,8%.

Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.

Cụ thể, WB cho rằng trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6%, tuy nhiên hiện đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong nước và lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4. Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.

Trong tháng 7, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020. 

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong 7 tháng qua so với cùng kỳ năm 2020.

Tín dụng tăng trưởng khoảng 15% trong những tháng gần đây, so với 10%-12% trong năm 2020, giúp hỗ trợ vốn tốt hơn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể đem lại rủi ro cao hơn cho khu vực tài chính.

Trước đó, WB từng dự kiến Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6% năm 2021 trong khi các nền kinh tế còn lại trong khu vực chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 4,6%.

WB cho rằng trong nửa đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vững chắc tuy nhiên hiện đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19

Trong khoảng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam đã tiếp tục thăng hoa bất chấp cú sốc đại dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân Hàng Thế giới (World Bank) hồi đầu tháng 4, các chuyên gia của IMF đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 và đạt mức 7,2% năm sau.

Đối với tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính sẽ giảm từ 3,3% trong năm 2020 xuống 2,7% trong năm 2021, sau đó tiếp tục giảm còn 2,4% trong năm 2022.

Tuy nhiên, hơn 3 tháng kể từ ngày 27/4, nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng “đóng băng” khi lần bùng dịch thứ 4 xảy ra trên diện rộng, số ca nhiễm mỗi ngày lên đến hàng nghìn ca, số ca khỏi bệnh được ghi nhận chiếm tỉ lệ hơn 50% so với tổng số ca mắc Covid-19, đây cũng là một điểm tích cực đáng khen đối với công tác phòng chống dịch bệnh của nước ta.

TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam đã có gần 3 tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ, đặc biệt là tăng cường giãn cách theo Chỉ thị 16.

Tại TPHCM, thành phố đang xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó có hiệu quả với tình hình dịch bệnh trong điều kiện hiện nay, để khôi phục và phát triển kinh tế phù hợp với dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp.

Với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu chống dịch dẫn đến thu nhập của phần lớn người lao động bị giảm. Các địa phương cần tránh tình trạng dịch bệnh chưa giảm mà lại kiệt quệ kinh tế, sẽ dẫn đến những hậu quả rất khó lường về nhiều mặt trong đời sống xã hội.

Các tổn thất kinh tế xảy ra đối với phía cầu, lẫn cung. Theo đó, sức mua trong nền kinh tế cũng giảm (mặc dù có những thời điểm nhu cầu hàng hoá thiết yếu tăng do tâm lý tích trữ). Các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất như nguyên liệu, nhiên liệu động lực, nhân công,… đều bị gián đoạn và tăng chi phí.

Doanh nghiệp không làm ăn được, người lao động mất việc làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh áp lực chi phí chống dịch đang đè nặng lên ngân sách. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, rủi ro đối với hệ thống tài chính ngân hàng là không thể tránh khỏi. Nếu doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc làm ăn thua lỗ kéo dài, khó lòng trả được các khoản vay đến hạn. Rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng không chỉ đối với các khoản cho vay doanh nghiệp, mà còn đối với các khoản cho vay cá nhân.

Đáng chú ý là các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, phần lớn trong số họ là sản xuất xuất khẩu. Việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, kéo dài đã gây khó khăn cho việc sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Đối tác đặt hàng có xu hướng chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam để đặt hàng tại các quốc gia khác.

Các tổn thất kinh tế xảy ra đối với phía cầu lẫn cung, mặc dù có những thời điểm nhu cầu hàng hoá thiết yếu tăng do tâm lý tích trữ.

Đặc biệt, lao động tự do vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Các biện pháp kiểm soát dịch thời gian qua dẫn tới gần như toàn bộ lao động khu vực phi chính thức phải tạm ngưng hoạt động. Số người mất việc làm, số người không có thu nhập gia tăng sẽ tạo nhiều vấn an sinh xã hội cần được giải quyết.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành) đã có gợi mở, hiến kế cụ thể về lựa chọn “sống chung với dịch Covid-19”: “Lúc này đây, rất khó có thể kiểm soát dịch để đưa số ca nhiễm về con số 0, thì nên hướng đến mục tiêu kiềm chế cường độ lây nhiễm và giảm số ca tử vong trong thời gian dài. Do vậy, cần phải chuyển từng chiến lược “chống Covid-19” sang chiến lược “sống chung với Covid-19” trong mọi hoạt động của nền kinh tế”. (Theo SGGP).

Phương châm xuyên suốt của phương án “sống chung với dịch Covid-19” là tăng cường tiêm vaccine Covid-19 cho toàn dân, kiểm soát rủi ro tử vong, khơi thông lại dòng chảy nguồn lực trong các thị trường của nền kinh tế theo hướng giảm thiểu mức độ lây lan.

Trong chiến lược, cần chuyển trọng tâm đến mục tiêu là giảm thiểu ca bệnh tử vong hoặc cố gắng đưa tỷ lệ tử vong về mức gần 0%, khơi thông dòng chảy nguồn lực cho các thị trường, hạn chế mức độ lây lan, và xã hội hoá tiêm chủng vaccine và điều trị.

Đồng thời, ban hành các quy định và hướng dẫn đảm bảo an toàn chống dịch đối với doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế, các chợ, giao thông và người dân. Thúc đẩy và hỗ trợ các đối tượng trong nền kinh tế thực hiện phương án sống chung với Covid-19 để khôi phục kinh tế. Cạnh đó, thực hiện các biện pháp hỗ trợ và giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

My Oanh - Tổng hợp

Từ khóa: