Sự kiện hot
2 năm trước

We Together - Âm nhạc hòa sắc cam: Chương trình âm nhạc đường phố vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em

Vừa qua, hàng trăm người dân tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội đã hào hứng tham gia Chương trình âm nhạc đường phố - We Together- Âm nhạc hoà sắc cam lần đầu tiên được tổ chức, nhằm truyền đi thông điệp về bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Chương trình âm nhạc "We Together - Âm nhạc hoà sắc cam" lần đầu tiên được tổ chức nhằm truyền đi thông điệp về bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Sự kiện là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến dịch toàn cầu Tô cam thế giới, 16 ngày hành động đoàn kết chấm dứt bạo lực giới (25/11-10/12) và Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (15/11-15/12).

Chương trình âm nhạc đặc sắc này do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women tại Việt Nam) tổ chức với góp mặt của nhiều nghệ sĩ trẻ đang được yêu thích như: Minh Vương M4U, Vũ Duy Khánh, Trung Trần, Nguyễn Trần Trung Quân, Duy Khoa và nhiều tiết mục của các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố như Hệ thống trường liên cấp Vinschool, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Đại học FPT,...

Chương trình âm nhạc được chia làm ba phần chính: Cô ấy (She), Chúng ta (We) và Hội ngộ (We Together). Những bài hát trong phần “Cô ấy" kể về những người phụ nữ quanh ta, họ có thể là mẹ, vợ, con gái, tri kỷ hay người yêu. Khi “Cô ấy" trưởng thành, trải qua những sóng gió, trở nên mạnh mẽ và trở thành một phần trong “Chúng ta" đầy quyền năng và kiên định, rồi “Hội ngộ” với những người cùng chí hướng để sống hết mình, hiện thực hóa mọi giấc mơ và cống hiến cho cuộc đời. 

Nếu như phần một  Cô ấy (She) mang đến những bài hát tươi sáng, trong trẻo đầy yêu thương, phần hai “We” (Chúng ta) là lời tự sự của chúng ta trong hành trình trưởng thành, vấp ngã và tái sinh, thì phần ba “Hội Ngộ" là niềm vui, sức mạnh đoàn kết để cùng kiến tạo một thế giới bình đẳng, đầy màu sắc, an toàn và không có bạo lực.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women cùng các nhân viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trình diễn tiết mục nhảy tại 'We Together - Âm nhạc hòa sắc cam' - Chương trình âm nhạc đường phố vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em

Đặc biệt, ngoài phần biểu diễn của các nghệ sĩ, bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện của UN Women cùng các nhân viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã trình diễn tiết mục nhảy sôi động truyền đi thông điệp về những phụ nữ và bé gái mạnh mẽ, tự tin, vượt qua mọi rào cản, định kiến để hiện thực hóa các ước mơ của mình.

Màu cam được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chọn là màu của chiến dịch vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đây cũng là màu sắc gây sự chú ý cao – thể hiện cấp độ nguy hiểm và đáng báo động của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và hàng triệu trẻ em trên toàn cầu với tư cách là một trong những hình thức vi phạm quyền con người nghiêm trọng nhất trên toàn thế giới. Tô cam thế giới là chiến dịch kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan nhằm xóa bỏ vấn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em trên toàn cầu.

Ca khúc Bố ơi mình đi đâu thế được trình bày bởi ca sĩ Duy Khoa, Huy Linh cùng 2 bé Tuệ An và Phạm Anh

Trên toàn cầu, mỗi năm có một tỷ trẻ em phải hứng chịu bạo lực không bằng hình thức này thì là hình thức khác. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%). Những vết sẹo này không chỉ để lại nỗi đau về thể xác mà nó còn mang lại ám ảnh dai dẳng về tinh thần đến suốt cuộc đời.

Theo như Khảo sát Quốc Gia về Bạo Lực đối với Phụ Nữ ở Việt Nam năm 2019, 62.9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, những tác động của bạo lực phụ nữ ước tính tương đương với 1.81% GDP của Việt Nam năm 2018.

Chương trình “Âm nhạc hoà sắc cam”- We Together Music Concert sẽ được đăng tải thông tin trên: UN Women fanpage: https://www.facebook.com/unwomenvietnam/

PV/KTDU

Từ khóa: