Sự kiện hot
9 năm trước

WHO khuyến cáo: 50% thuốc bán trên mạng internet là thuốc giả

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, có tới 50% trang bán thuốc trực tuyến đang nhẫn tâm cung cấp dược phẩm giả cho người tiêu dùng.

Mỗi người Việt chi bình quân khoảng 38 USD cho việc mua thuốc

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước đạt 1 tỉ 649 triệu USD, tăng 18,6% so với cả năm 2014, đáp ứng được 48% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Tiền thuốc bình quân đầu người 10 tháng đầu năm 2015 đạt mức 37,97 USD, tăng 10% so với năm 2014 và tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại hội thảo “Nâng cao sức khỏe người bệnh: Tầm quan trọng của chất lượng và phát minh trong lĩnh vực dược phẩm” với sự tham gia của các công ty dược phẩm trong nước và đại diện các tổ chức quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, bên cạnh mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị thì công tác quản lý toàn diện chất lượng thuốc luôn được lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho người sử dụng. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế đã ban hành và triển khai đồng thời nhiều biện pháp tổng hợp như: ban hành các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt từ sản xuất, bảo quản, phân phối thuốc; tăng cường năng lực cho hệ thống thanh tra dược và hệ thống kiểm nghiệm thuốc; nỗ lực chuẩn bị tham gia vào hệ thống hợp tác về thanh tra dược phẩm; xây dựng hệ thống các nhà máy sản xuất thuốc trong nước ngày càng nâng cao chất lượng; tích cực hội nhập lĩnh vực dược phẩm trong khu vực ASEAN và thế giới...

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt cho biết, qua 10 năm thực hiện, Luật Dược 2005 đã cơ bản đạt được những mục tiêu đặt ra, bảo đảm quyền của người dân được sử dụng thuốc chất lượng, hợp lý và an toàn. Tuy vậy trong quá trình triển khai, Luật Dược 2005 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do một số quy định của Luật không còn phù hợp với nhu cầu thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Dự thảo Luật dược (sửa đổi) có nhiều điểm mới như quy định về: hành nghề dược, kinh doanh dược, đăng ký thuốc, phát triển dược liệu – thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền, dược lâm sàng, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý nhà nước về giá thuốc… Trong đó, có nhiều qui định nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thuốc như: yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, yêu cầu về thời gian thực hành đối với người phụ trách chuyên môn dược, yêu cầu phải đánh giá cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài; qui định cụ thể về hình thức thu hồi, mức độ thu hồi, phạm vi thu hồi, trách nhiệm thu hồi thuốc…

Theo bà Cecile Degans, Tổng Giám đốc IMS Health (công ty cung cấp dữ liệu dược phẩm) tại Việt Nam, thuốc phát minh đã thay đổi cách điều trị cho nhiều loại bệnh. Mỗi năm, trên thế giới có từ 30 – 40 hoạt chất, sinh phẩm và vắc xin mới được công bố. Phác đồ điều trị với một phần đóng góp của những thuốc chất lượng cao này đã giúp việc điều trị đạt được hiệu quả cao hơn như làm giảm tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Bà Cecile Degans nêu rõ, thành quả y tế Việt Nam được đánh giá cao nhờ vào hiệu quả của chi tiêu y tế. Mặc dù xếp hạng thấp về chi tiêu y tế công nhưng Việt Nam vẫn xếp hạng cao trong hầu hết các chỉ tiêu hiệu quả y tế cơ bản. Việt Nam có cơ sở hạ tầng y tế tốt với số lượng giường bệnh bình quân đầu người nhiều hơn ở các nước châu Á- Thái Bình Dương (APAC) và nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN. Tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam đã chậm lại trong thành công của một số tiêu chí ví dụ như tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi so với các nước trong khu vực.

Bà Cecile Degans cho rằng, để nâng cao sự tiếp cận của bệnh nhân với thuốc phát minh thì các quốc gia trong đó có Việt Nam cần đơn giản hóa qui trình đăng ký thuốc và có tổ chức quy trình thanh toán bảo hiểm hợp lý hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện; nâng cao yêu cầu về chất lượng trong mua sắm công để giảm nguy cơ về chất lượng thuốc và khả năng cung ứng thuốc; tạo ra các ưu đãi để thu hút các công ty đa quốc gia mang công nghệ và các bí quyết sản xuất tiên tiến vào Việt Nam; thiết lập những mục tiêu tích hợp để bệnh nhân được tiếp cận với thuốc phát minh sẽ là chìa khóa cho việc thực thi các chính sách mới…

 


Hiện sản xuất thuốc trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc. (Ảnh minh họa)

 

50% thuốc bán trên Internet là thuốc giả

Theo bà Samson Chiu – Giám đốc khu vực Châu Á, Thái Bình Dương – Viện An ninh Dược phẩm các loại thuốc được làm giả phổ biến hiện nay là thuốc làm từ thức ăn cho lợn và gà, viên nang làm từ chất thải của ngành công nghiệp da, thuốc giả trong bao bì thật. Các cơ quan chức năng đã phát hiện các chất độc hại có trong thuốc giả như kim loại nặng, các loại dược chất không mong muốn và một số loại thuốc hoàn toàn không có dược chất.

Bác Samson Chiu cũng nhấn mạnh vào bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 40 -50 nghìn người bán thuốc trực tuyến trên toàn cầu trong đó có tới 90 -95% không hợp pháp. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo, kể cả tại các quốc gia có mức sống cao và chất lượng y tế tốt như ở châu Âu, tình trạng thuốc giả vẫn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân được cho rằng người dân vì quá bận rộn nên đôi khi đã chọn cách mua thuốc trôi nổi trên mạng để tiết kiệm tiền và thời gian. WHO cho biết, có tới 50% trang bán thuốc trực tuyến đang nhẫn tâm cung cấp dược phẩm giả cho người tiêu dùng.

Đa số thuốc giả đều không phân biệt được bằng mắt thường, người dân lại không kêu ca gì, đặc biệt các chế tài chưa đủ tính răn đe tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất và buôn bán thuốc giả tăng.

Nói về thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, thị trường thuốc ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Nước ta phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hiện sản xuất thuốc trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc (chủ yếu là thuốc generic), trong khi Việt Nam có trên 180 nhà máy sản xuất thuốc tân dược hoặc thuốc dược liệu, trong đó có trên 150 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP).

 


WHO cho biết, có tới 50% trang bán thuốc trực tuyến đang nhẫn tâm cung cấp dược phẩm giả cho người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

 

Thuốc giả, cái chết thật và siêu lợi nhuận

Báo An nhin Thủ đô đã từng đưa tin, chưa có một số liệu thống kê chính thức nhưng tại Việt Nam đã xảy ra không ít trường hợp ngộ độc do dùng phải thuốc giả, thuốc nhái. Hậu quả thì đã rõ ràng, nhưng câu hỏi được đặt ra là tại sao thuốc tân dược giả lại có “đất sống” trong đời sống dân sinh(?) Bên cạnh nhu cầu sử dụng thuốc giá rẻ của người dân thì một nguyên nhân khác được cho là do việc kinh doanh thuốc tân dược giả, kém chất lượng mang lại lợi nhuận siêu khủng nên các cửa hàng bán lẻ thuốc sẵn sàng nhập từ các đơn vị, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh tân dược.

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ thuốc giả được phát hiện tại Việt Nam đang liên tục tăng lên qua từng năm. Thuốc giả ngày càng được sản xuất tinh vi, rất khó để phân biệt, và loại thuốc nào có sức tiêu thụ lớn trên thị trường thì thường bị làm giả nhiều (trong đó nhóm kháng sinh thông thường là phổ biến nhất). Kết quả khi sử dụng thuốc giả là đều gặp thất bại trong điều trị, vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh, dẫn đến kháng thuốc, tăng độc tính, nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc hoặc dị ứng thuốc, nhiễm độc kim loại, thậm chí gây tử vong. Các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng đôi khi được “sản xuất” ra từ bột gạo có sử dụng chất bảo quản, phấn viết bảng, bê tông nghiền, thạch cao… nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh khi sử dụng. Những chất và hợp chất này không chỉ gây ra các phản ứng dị ứng, kháng thuốc mà còn gây nên nhiều bệnh nguy hiểm khác như lao phổi, các bệnh đường ruột… Triệu chứng dễ nhận biết sau khi người bệnh dùng phải thuốc giả, kém chất lượng là có thể ngay lập tức, hoặc sau đó vài ngày thấy ngứa họng, ngứa mũi, nhức đầu, chóng mặt, khó thở, trường hợp nặng có thể bị co giật, sốc phản vệ…

Từ những vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả đã được các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Y tế… phát hiện xử lý có thể thấy thị trường thuốc tân dược không chỉ bị làm giả ở trong nước mà còn bị làm giả ở nước ngoài rồi nhập lậu vào Việt Nam. Lý do của việc này chính là mức sinh lời của hành vi sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả có thể cao từ 200 đến 450 lần. Siêu lợi nhuận!

WHO cũng đã đưa ra cách nhìn nhận cụ thể về thuốc giả. Đó là loại thuốc bị nhiễm khuẩn, thuốc không có hoạt chất hay không đúng hoạt chất; thuốc có đúng hoạt chất nhưng không đúng liều lượng và các loại thuốc bất hợp pháp gây tác hại đến sức khỏe.

Thị trường thuốc giả hiện nay được cho là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 1 triệu - 1,2 triệu người/năm. Riêng ở các nước nghèo và các nước đang phát triển, thuốc giả và thuốc kém chất lượng đã đe dọa kéo lùi hàng thập kỷ nỗ lực chiến đấu chống bệnh sốt rét, bệnh lao, HIV/AIDS và nhiều bệnh khác. WHO ước tính rằng mỗi năm có ít nhất 500.000 người chết ở châu Phi vì liên quan đến thuốc sốt rét và thuốc chống bệnh lao bị làm giả.

Một chuyên gia của WHO nhận định, thuốc làm từ bột đã sợ nhưng không kinh khủng bằng các loại thuốc chứa chất độc hại. Hồi tháng 5-2015, Trung Quốc còn phát hiện thông tin về thuốc An cung ngưu hoàng hoàn giả. Cảnh sát Trung Quốc xác định rằng, đường dây buôn thuốc An cung ngưu giả này đã tung ra thị trường 90 triệu viên có sử dụng chất gelatin có nguồn gốc từ động vật và chứa crom, hóa chất thuộc da có thể làm tổn thương cấu trúc ADN, suy gan, suy thận và gây ung thư. Bên cạnh đó, một số đường dây làm thuốc Viagra bằng thuốc thú y, thuốc hạ sốt và trị ho chứa thạch tín cực độc cũng đã bị phát hiện.

Rõ ràng, thuốc giả đang trở thành vấn nạn lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới...

Tuyết Mai
theo ĐSPL

Từ khóa: