Sự kiện hot
12 năm trước

Xanh mặt với làn sóng thất nghiệp

Tại nhiều tỉnh miền Bắc, hàng ngàn doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, sản xuất đình trệ, hàng tồn kho lớn đã khiến hàng ngàn lao động bị mất việc làm.

Tại nhiều tỉnh miền Bắc, hàng ngàn doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, sản xuất đình trệ, hàng tồn kho lớn đã khiến hàng ngàn lao động bị mất việc làm.

Mất việc ngày càng nhiều

Cách đây hai năm, do bị vỡ nợ vì kinh doanh chứng khoán, chồng chị Trần Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) phải bán hết nhà cửa, xe cộ để trả nợ cho ngân hàng. Từ chỗ nhà lầu, xe hơi, không phải làm gì, nay chị Thảo cùng con phải ở trọ trong một căn phòng chật chội.

May mắn, chị Thảo xin được vào làm ở một sàn giao dịch bất động sản nhưng BĐS khó khăn, sàn phá sản khiến chị Thảo và hàng chục nhân viên khác mất việc làm.

“Chúng tôi nghỉ việc nhưng không được hỗ trợ gì vì DN đang nợ đầm đìa, không đủ tiền duy trì hoạt động và trả lương cho nhân viên”- chị Thảo nói.

Theo chị Thảo, vì chưa kiếm được việc làm mới nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, lâm vào bế tắc. “Tiền học cho con, tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe... cũng phải gần 10 triệu đồng/tháng. Giờ mất việc, nợ nần chồng chất, không biết phải xoay xở ra sao. Nếu khó khăn quá có khi em phải gửi con về quê cho ông bà nuôi” - chị Thảo tâm sự.

Không riêng gì chị Thảo mà rất nhiều lao động khác phải đến Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội để đăng ký hưởng BHTN.

Doanh nghiệp khó khăn, lao động thất nghiệp ngày càng  tăng cao (ảnh minh họa)

Theo ông Vũ Trung Chính - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, số người đăng ký hưởng BHTN đến trung tâm gia tăng theo tuần. Tính riêng trong tháng 10, đã có gần 3.000 lao động đến đăng ký hưởng BHTN.

Tại Hải Dương, theo ông Lưu Văn Bản - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, số lượng người lao động đăng ký hưởng BHTN cũng tăng cao hơn nhiều so với năm ngoái. “Từ đầu năm đến nay, có tháng lao động đăng ký hưởng BHTN lên tới gần 1.000 người. Trong đó lao động nữ thất nghiệp cao hơn nam giới và độ tuổi trung bình từ 25-40 tuổi” - ông Bản cho biết.

 Tại Hải Phòng, tình trạng lao động mất việc làm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đại diện Phòng Lao động việc làm tiền lương và BHXH thuộc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho biết, đến hết tháng 9-2012, trên địa bàn Hải Phòng có 6.501 lao động đăng ký để hưởng BHTN.

Trong khi đó, theo Cục Thuế Hải Phòng, trong số 23.000 doanh nghiệp (DN) đang đăng ký hoạt động, đã có hơn 3.000 DN bị thu hồi giấy phép; gần 7.000 D tạm đóng mã số thuế; gần 13.000 DN còn lại không phải doanh nghiệp nào cũng hoạt động. “Trong 6 tháng đầu năm, có hơn 4.000 lao động nghỉ việc chờ lương, 11.800 lao động nghỉ chờ việc không lương. Số lao động mất việc làm là 14.000 người, tập trung ở các ngành đóng tàu và sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, da giày” - vị cán bộ Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho biết.

Theo lãnh đạo Hải Phòng, hiện có hơn 100 DN báo cáo gặp khó khăn do không có đơn hàng. Nhiều DN phải cho lao động nghỉ luân phiên hoặc nghỉ chờ việc. Điển hình như Cty TNHH Thái Sơn, thời kỳ đỉnh cao sử dụng gần một ngàn lao động nhưng mới đây, do lãnh đạo Cty bị bắt giam nên đã khiến toàn bộ lao động mất việc làm; hay như Cty giày Long Sơn, sau khi tuyên bố giải thể, cũng đã đẩy hàng ngàn lao động ra đường.

DN phá sản, công nhân ra đường

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong năm 2012, xu hướng giảm thất nghiệp ở thành thị có thể sẽ khó duy trì do tác động cộng hưởng của sự suy giảm kinh tế với gần 50.000 DN đóng cửa và một phần biểu hiện lạm dụng quỹ BHTN.

Bà Hương phân tích: Đến cuối năm 2011, đã có 7,9 triệu người tham gia BHTN, chiếm 15% lao động có việc làm. Năm 2012, số người đăng ký thất nghiệp tăng 44% so với cùng kỳ, trong đó có 221 ngàn người đề nghị hưởng BHTN, tăng 48% so với năm 2011.

Theo bà Hương, lý do thất nghiệp gia tăng là do từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế biến động theo mô hình chữ W (nhiều đáy với các dao động bất thường), trong đó tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng đi xuống, chỉ đạt 6,1%/năm. Tốc độ tăng trưởng việc làm tương ứng chỉ đạt 2,5%. Đặc biệt, năm 2009 và 2011 được coi là những năm “đáy” khi tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,3% và 5,8%, tốc độ việc làm cũng xuống thấp, chỉ đạt 1,6% và 2%.

Năm 2011, tổng việc làm đạt 50,6 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm 2010, thấp hơn khoảng gần 260 ngàn so với mức tăng bình quân thời kỳ trước khi gia nhập WTO (khoảng 1,26 triệu việc làm). Ngoài ra, nguyên nhân tỷ lệ thất nghiệp chung và thiếu việc làm giảm là do áp lực cung giảm. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong khu vực thành thị tăng lên là do ngành công nghiệp giảm mạnh và do tác động từ quá trình đô thị hoá.

Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho biết, nguyên nhân chính khiến thất nghiệp gia tăng là do thời gian qua kinh tế khó khăn, đã làm cho hàng loạt doanh nghiệp phá sản, giảm quy mô sản xuất kinh doanh. Hệ quả là khiến cho hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc. “Tính riêng thời điểm đầu năm 2012, đã có khoảng 1,3 triệu người thất nghiệp và hơn 4,5 triệu người phải tìm việc làm bán thời gian”- ông Trung nói.

Nguyễn Hà
Theo Vietnamnet

Từ khóa: