Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Xây dựng, phát triển thương hiệu nước mắm vùng ven biển thị xã Kỳ Anh

Phát huy tiềm năng lợi thế của các xã nằm ở vùng ven biển, nơi có nguồn thủy hải sản dồi dào, trong những năm gần đây, bà con ngư dân ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã phát triển nghề chế biến nước mắm truyền thống, không chỉ góp phần giải quyết việc làm, mà còn nâng cao nguồn thu nhập cho bà con nhân dân.

Phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống

Nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã có từ lâu đời với các phương pháp thủ công. Dù có chất lượng cao, song không có sự ổn định, quy mô còn nhỏ lẻ, sản lượng hàng năm thấp. Để thúc đẩy nghề chế biến nước mắm truyền thống phát triển, thời gian qua, thị xã Kỳ Anh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng làng nghề truyền thống chế biến nước mắm tại xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà.

Ngoài tổ chức tập huấn ứng dụng khoa học kỷ thuật để bà con ngư dân sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm, thị xã còn tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại ở trong và ngoài tỉnh, tham gia trưng bày giới thiệu các gian hàng sản phẩm OCOP. Nhờ được sự quan tâm hổ trợ của các cấp, các ngành và sự năng động nhạy bén trong sản xuất kinh doanh nên các mô hình chế biến nước mắm ở thị xã Kỳ Anh không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Mô hình sản xuất nước mắm Nhất Ninh ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ninh ở thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh  trước đây sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống với quy mô sản xuất nhỏ lẽ, chủ yếu phân phối trên địa bàn. Năm 2017, khi tiếp cận với công nghệ năng lượng mặt trời do Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh hỗ trợ thì sản lượng, chất lượng nước mắm mới được tăng lên.

Đến nay, sản lượng đạt hơn 50.000 lít/năm. Với sự tiếp sức của các cấp, các ngành, chị Nguyễn Thị Ninh đã đầu tư thực hiện đa dạng hóa kích cỡ sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, đăng ký nhãn hiệu, logo, mã số mã vạch, mã QR, nhằm xây dựng thương hiệu “Nước mắm Nhất Ninh”, hướng tới mở rộng thị trường sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Ninh chia sẻ: Trong quá trình muối cá, nước mắm ngon hay không ngon, hương vị, màu sắc, độ sánh, chín nhanh hay chín chậm, ngoài ảnh hưởng của nguyên liệu đầu vào là cá, muối ra còn tùy thuộc vào sự chăm sóc, xáo đảo, vào thời tiết, mùa vụ và cách muối cá. Cá cho muối đúng liều lượng, chăm sóc xáo đảo hàng ngày, phơi nắng được nhiều nước mắm sẽ thơm ngon.

Đến với những sản phẩm của thương hiệu

Gắn bó với nghề sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống từ lâu, sau khi thành lập Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng, chị Đặng Thị Luận ở thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh đã phát triển thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và hoạt động của một hợp tác xã với quy mô lớn. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, cơ sở chế biến nước mắm Luận Nghiệp còn giải tỏa nỗi lo "đầu ra" cho các sản phẩm đánh bắt hải sản của 136 tàu, thuyền của địa phương, góp phần tạo sinh kế lâu dài cho hàng trăm ngư dân.

Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Luận nghiệp bỏ ra trên 2,5 tỷ đồng để mua hơn 50 tấn cá cơm, 30 tấn tép tươi, 15 tấn sứa biển để muối nước mắm, làm ruốc và sản xuất sứa đóng hộp phát triển thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp. Hiện nay, bình quân mỗi năm, Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến thắng đã thu mua hơn 2.000 tấn hải sản các loại và cung cấp cho thị trường hơn 80 nghìn lít nước mắm, đạt lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.

Khẳng định thương hiệu trên thị trường tiêu thụ.

Cũng như Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Luận nghiệp, trước đây, gia đình bà Trần Thị Thinh ở thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà chỉ được bán lẻ theo từng can 20 lít, 30 lít và chủ yếu là bán cho người dân trong thôn, xóm và không có nhãn hiệu. Được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh chuyển giao công nghệ chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời kết hợp bể ổn nhiệt, gia nhiệt bổ sung và hệ thống náo đảo tự động. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, sản lượng hàng năm của gia đình bà sản xuất trên 60.000 lít nước mắm các loại, lợi nhuận hàng năm đạt hơn 1,4 tỷ đồng. Bà Trần Thị Thinh cho biết: “Hiện tại, đơn vị đã đăng ký nhãn hiệu, logo, mã số mã vạch, cải tiến mẫu mã, bao bì và tạo nên nhãn hiệu “Nước mắm Bà Thinh”. Đến nay, thị xã Kỳ Anh đã có 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao đó là: nước mắm Luận Nghiệp, cá mờm rim lạc Luận Nghiệp, nước mắm Nhất Ninh và nước mắm Bà Thinh.

Để thương hiệu nước mắm thị xã Kỳ Anh ngày càng được khẳng định, vươn xa, thời gian tới, ngoài việc hướng dẫn các hợp tác xã quy hoạch vùng sản xuất, tập trung áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu OCOP, tiếp tục đầu tư hạ tầng, chọn nguồn nguyên liệu tươi ngon, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy, niềm tin của khách hàng về nước mắm truyền thống thị xã Kỳ Anh mới tồn tại lâu dài, vươn lên phát triển bền vững, tạo nên thương hiệu nước mắm ở vùng ven biển thị xã Kỳ Anh.

Nguyễn Nghị/KTDU

Từ khóa: