Ngày 14/6, tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội thảo “Xây dựng các quy hoạch chi tiết Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn 2030.”
Ngày 14/6, tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội thảo “Xây dựng các quy hoạch chi tiết Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn 2030.”
Cung đường trên đỉnh Mã Pì Lèng thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp quy hoạch chi tiết nhằm thu hút khách du lịch, đồng thời hướng tới phát triển bền vững Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn di sản địa chất, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch bền vững...
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam nhận định UNESCO đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản. Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn phải gắn với con người địa phương, đặc biệt tại bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.
Theo ông Thắng, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với trách nhiệm bảo tồn di sản. Việc xây dựng thương hiệu đối với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng cần phải gắn với sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương như chè, mật ong, cây dược liệu... Bên cạnh đó cần tiếp tục phát huy những lễ hội truyền thống văn hóa của dân tộc như chợ tình Khau Vai, lễ hội cầu mưa, các lễ hội của các dân tộc Tày, Dao, Pà Thẻn, Mông...
Đồng tình với đại diện của UNESCO, ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định chưa địa phương nào có tỷ lệ người Mông sinh sống nhiều như ở Hà Giang, vì vậy những kỹ năng bản địa cũng như các giá trị văn hóa được lưu giữ nơi đây đậm đặc hơn bất kỳ đâu và là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên để phát triển bền vững và thu hút khách du lịch thì việc xây dựng chiến lược quy hoạch chi tiết là rất cần thiết trong thời điểm hiện tại. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón các nhà đầu tư đến với Hà Giang.
Theo quy hoạch tổng thể, Hà Giang sẽ xây dựng bốn trung tâm du lịch phát huy các giá trị văn hóa gồm trung tâm du lịch văn hóa lịch sử Đồng Văn; trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu Mèo Vạc; trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh; trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ. Tuy nhiên, muốn chương trình du lịch phong phú và chất lượng cần phải có sự tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng rộng lớn bao gồm bốn huyện vùng cao biên giới của Hà Giang, nơi có nhiều giá trị di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học đẹp, đặc hữu, có ý nghĩa khoa học được UNESCO công nhận là một Công viên Địa chất Quốc tế cần bảo tồn và giữ gìn cho nhân loại. Việc quy hoạch chi tiết Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ khẳng định chủ quyền vùng biên cương địa đầu Tổ quốc của Việt Nam, mà còn thực hiện cam kết chất lượng quốc tế thông qua danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận.
Đỗ Bình
theo TTXVN