Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà-phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy, hải sản... nhưng tính đến nay, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới, cánh cửa thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản Việt Nam rất lớn.Tuy nhiên, là quốc gia có các mặt hàng nông sản xuất khẩu "top" đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế khi có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài.
Đơn cử, cùng là sầu riêng nhưng giống Musang King (Malaysia) trồng tại VN đang được bán từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Nghĩa là để mua một trái sầu riêng 2 - 3 kg, chúng ta phải chi tới hơn 2 triệu đồng. Trong khi giống sầu riêng Ri-6 của ta, chất lượng không hề thua kém thì giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, bằng khoảng 1/5 - 1/8 so với sầu riêng nước bạn. Đó chính là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có hoặc có nhưng thương hiệu chưa đủ mạnh.
Thiệt hại của việc xuất khẩu không có thương hiệu được bà Võ Thị Tam Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng, dẫn chứng cụ thể: Trà ô long hái tay chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ dao động 10 - 12 USD/kg. Tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần.
Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè. Sản phẩm chè của Việt Nam xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường chính gồm Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia… Tuy nhiên, “khoảng 90% sản lượng trà xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu trà dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế.
Nhằm xây dựng thương hiệu cho ngành chè Việt, bà Tam Dân kiến nghị, các đơn vị liên quan cần thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các địa phương trồng chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn; triển khai các dự án khoa học-công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần chủ động thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đầu tư các công nghệ sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ngay cả với gạo, được coi là mặt hàng xây dựng thương hiệu mạnh nhất trong các nông sản xuất khẩu chủ lực của VN, thì GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học hàng đầu VN với hạt gạo, nói thẳng: "Câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ 3 bên. Đầu tiên là nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt. Thứ hai, DN không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính. Ngay cả các tổng công ty lương thực mạnh nhất VN cũng không có nguồn nguyên liệu. Thứ ba là từ chính người nông dân. Muốn làm dự án lớn, trồng lúa trên diện tích 10.000 ha đất là không dễ khi đồng ruộng phân mảnh. Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó, bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình. Nếu chúng ta có thể giải quyết những khó khăn đó thì việc xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn".
Thực tế cho thấy, thương hiệu nông sản Việt muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế. Muốn biết lợi thế, hãy đặt câu hỏi, với khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của VN như hiện nay, vị trí địa lý như vậy thì loại cây nào, loại con nào sẽ có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn? Đơn cử, nếu đem táo, lê của VN cạnh tranh với Úc thì thua chắc nhưng chôm chôm, sầu riêng thì chúng ta có nhiều cơ hội. Nếu không biết lợi thế là gì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu nông sản Việt vì làm nông nghiệp phải có đất, mà đất thì có giới hạn. Trong giới hạn đất và nước như vậy, phải tạo ra những sản phẩm có giá trị cao nhất. Bên cạnh đó, làm thương hiệu không chỉ sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó, tương tự như cách mà Ireland đã làm với sữa hay nhân sâm của Hàn Quốc thì mới tạo ra những thương hiệu mạnh.
VN cũng cần chọn lựa 1 - 2 nông sản đại diện cho quốc gia, kêu gọi sự đồng lòng của các tầng lớp, các bộ, ngành để chung tay quảng bá. Không chỉ là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT hay Bộ Công thương, mà nhiều bộ ngành khác như du lịch, văn hóa... cũng phải vào cuộc. Tại VN, số lượng nghệ sĩ nổi danh cũng rất đông đảo nhưng các hoạt động chung tay vì cộng đồng để quảng bá thương hiệu lại chưa có nhiều. Bên cạnh đó, ngành du lịch có thể chung tay quảng bá các tour tham quan nhà máy sản xuất, giới thiệu đặc sản của VN để có thể xuất khẩu tại chỗ.
Thương hiệu quốc gia cho nông sản là câu chuyện dài. Chúng ta đã chậm chân, nhưng phải đi những bước đầu tiên và cứ đi rồi sẽ đến nơi.
Bảo An
Theo Kinh tế và đồ uống