Nhằm xây dựng tuyến du lịch “Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Thuận-Đảo Phú Quý”, từ ngày 28- 31/5, đoàn Famtrip gồm các công ty lữ hành, du lịch và phóng viên một số cơ quan báo chí tại Hà Nội đã đến khảo sát và trải nghiệm các sản phẩm du lịch ở Bình Thuận.
Du khách ngâm mình trong hồ bơi khoáng ấm - Trung tâm bùn khoáng Mũi Né. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Đoàn đã đến tham quan và khảo sát một số điểm du lịch nổi tiếng của Bình Thuận như Đồi cát bay Mũi Né, “thủ đô resort” Hàm Tiến, lâu đài rượu vang, các đảo nhỏ có giá trị du lịch như hòn Đen, hòn Tranh ở đảo Phú Quý. Đoàn cũng đến tìm hiểu dịch vụ lưu trú, buồng phòng, ẩm thực tại một số khách sạn, resort cao cấp, khu nghỉ dưỡng biển…
Đây không chỉ là hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, sản phẩm, tiềm năng du lịch của Bình Thuận mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình đến khách hàng.
Các thành viên trong đoàn Famtrip cũng đã làm việc với ngành du lịch Bình Thuận và giao lưu, trao đổi với các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại Bình Thuận. Hiệp hội du lịch Bình Thuận đã thông tin đến đoàn về tình hình phát triển du lịch của địa phương trong những năm qua.
Đặc biệt, năm 2014 mặc dù kinh tế có nhiều biến động, nhưng lượng khách du lịch đến Bình Thuận đạt 3,8 triệu lượt khách (trong đó có 12% khách quốc tế) với doanh thu 6 nghìn tỷ đồng. Riêng quý 1/2015, du lịch Bình Thuận đón trên 1 triệu lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu đạt gần 2 nghìn tỷ đồng tăng 8,72% so với cùng kỳ năm 2014.
Công tác bảo tồn di sản, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể được Bình Thuận thực hiện tốt, các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Mũi Né, Phan Thiết được quảng bá rộng khắp, xây dựng được tuyến tam giác du lịch “Chợ Sài Gòn-Hoa Đà Lạt-biển Mũi Né”; các lễ hội truyền thống đặc trưng như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê… được tái hiện sinh động, thu hút du khách.
Nhân dịp này, các thành viên trong đoàn Famtrip cũng có những đề xuất với ngành du lịch Bình Thuận khi kết nối tuyến du lịch “Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Thuận-đảo Phú Quý” như các nhà cung cấp dịch vụ cần xây dựng thêm nhiều dịch vụ miễn phí như đưa đón khách tại ga, bến xe; cần giữ được không gian xanh trong khuôn viên khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 271 cơ sở lưu trú với tổng số 10.400 phòng; trong đó có 172 cơ sở lưu trú được xếp hạng và 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Toàn tỉnh hiện có 44 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 6 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế.
Hồng Hiếu
theo Vietnam+