Sau hàng thập kỷ tranh cãi, Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã phê chuẩn cách thử nghiệm mới để ai cũng có thể tự kiểm tra tại nhà xem mình có bị nhiễm virus HIV hay không.
Sau hàng thập kỷ tranh cãi, Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã phê chuẩn cách thử nghiệm mới để ai cũng có thể tự kiểm tra tại nhà xem mình có bị nhiễm virus HIV hay không.
Bộ dụng cụ xét nghiệm HIV tại nhà OrQuick sẽ được bán ra vào tháng 10
tới đây tại Mỹ. Ảnh: NYTimes.
Phương pháp thử nghiệm này gọi là “OraQuick test” cho phép người sử dụng tự thực hiện, với những thao tác đơn giản, chỉ việc thấm nước bọt của mình vào một dụng cụ và sẽ có kết quả sau từ 20 đến 40 phút.
Bác sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia bệnh AIDS, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm đánh giá cách thử mới là “một bước tiến lớn”, đóng góp vào việc đưa bệnh dịch đã 30 năm nay vào tầm kiểm soát.
Người có HIV sau đó sẽ được cung cấp thuốc chống virus để điều trị, nhờ vậy có thể giảm được tới 96% sự lan truyền bệnh cho người khác. Việc xét nghiệm và chữa bệnh chuyển mạnh sang việc phòng ngừa.
Khoảng 20% trong số 1,2 triệu người bị nhiếm HIV ở Mỹ không biết là mình đã mắc bệnh và Trung tâm Phòng chống AIDS dự đoán mỗi năm ở nước này có thêm 50.000 người nhiễm bệnh mới.
Bác sĩ Robert Gallo, đứng đầu một Phòng thí nghiệm của Viện Y học quốc gia (NHI) - người đầu tiên đưa ra cách xét nghiệm máu để tìm virus ở Mỹ vào năm 1984 - coi việc FDA phê chuẩn cách thử HIV này là điều vô cùng có lợi vì nó sẽ khiến cho số người được chăm sóc và chữa trị căn bệnh thế kỷ này được nhiều hơn.
Ý tưởng có nên thử nghiệm virus HIV tại nhà hay không đã gây tranh cãi lâu dài. Việc tìm ra các xét nghiệm HIV từ nước bọt được thực hiện đầu tiên vào năm 1987 và năm 2005, FDA đã coi các thử nghiệm nước bọt OraSure là một phương pháp đơn giản và tương đối chính xác. Vậy mà cho đến nay, sau rất nhiều năm họ mới quyết định phê chuẩn.
Vào những năm 1980, dịch AIDS bùng phát và những người chết vì bệnh này bị dư luận xã hội xem như một điều nhục nhã. Nó lan truyền qua dường tình dục, tiêm chích ma tuý và truyền máu. Khi hầu hết thành viên của một nhóm ca nhạc là nạn nhân đầu tiên được phát hiện là những đồng tính nam (gay) thì bệnh càng bị mang tiếng xấu. Những ai bị dương tính với HIV lập tức bị coi là người đồng tính, nghiện ma tuý hoặc sinh hoạt tình dục bừa bãi, đã “bị kết án tử hình” theo nghĩa bóng và bị mọi người xa lánh.
Vì thế những người dù nghi là mình có bệnh lại rất ngại, không muốn đến xét nghiệm ở các cơ quan y tế, nên khi đến chữa trị thì bệnh đã nặng, việc điều trị (mà thực chất thường chỉ là để kéo dài thời gian sống) rất khó khăn và tốn kém. Có những tổ chức còn kêu gọi không nên đi kiểm tra HIV chừng nào mà những thành kiến và sự kỳ thị xã hội còn tồn tại.
Những nhà xã hội học dự đoán sẽ có một làn sóng tự sát nếu như việc xét nghiệm HIV có thể tự làm tại nhà vì đã có nhiều trường hợp biết mình nhiễm HIV, bệnh nhân đã không thể chịu nổi sự dày vò của số phận, đã tự kết liễu đời mình. Họ kiến nghị FDA không cho phép sản xuât những bộ “kit” để mọi người tự biết mình trở thành tù nhân của căn bệnh “không thể chữa khỏi”.
Song ông Mark Harrington, giám đốc một tổ chức tư vấn về AIDS nói trong một cuộc phỏng vấn rằng “những sự quan niệm sai lầm như vậy chỉ là “chuyện ngày xưa” và hiện nay những tiến bộ của y học cho thấy việc phát hiện sớm có thể cứu sống được nhiều người”. Vì thế “bất cứ dụng cụ nào góp phần phát hiện nhanh chóng đều thực sự cần thiết”.
Tuy nhiên cách thử qua nước bọt tại nhà vẫn có một số trở ngại. Nếu như những phương pháp “chính thống” xét nghiệm máu trên các thiết bị hiện đại hoàn toàn chính xác thì ở phương pháp thử nghiệm tại nhà chỉ làm yên lòng được 99,82% số người âm tính (tức thực sự không có virus) và phát hiện được 92% ở những người dương tính (thực sự có virus) vì ở giai đoạn đầu (khoảng thời gian kể từ thời điểm virus xâm nhập vào cơ thể đến thời điểm bắt đầu phát triển các kháng thể, mà thời gian này có thể kéo dài tới 3 tháng), thì phương pháp “OralQuick test” có thể mắc sai lầm.
Nói cụ thể hơn, trong số 5.000 thực chất không nhiễm HIV thì 1 người có thể không đúng, bị “án oan” (gọi là dương giả) và 1 trong số 12 người thực chất đã nhiễm HIV bị bỏ sót (âm tính giả).
Cho nên FDA không có ý định dùng cách thử nghiệm tại nhà để thay thế cho các phương pháp thử tại bệnh viện và nhiều trường hợp vẫn cần kiểm tra lại tại “một cách chính thống” nếu nghi ngờ việc tự thử của mình.
Sau khi được FDA phê chuẩn, hãng dược phẩm OralSure Corp. – nhà sản xuất bộ dụng cụ tự thử HIV tại nhà cho biết sản phẩm của mình sẽ được đưa ra thị trường Mỹ vào tháng 10 năm nay, mua không cần đơn bác sĩ với giá dự kiến không dưới 17,5 đôla.
Theo Vietnamnet