Sự kiện hot
8 năm trước

Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Nỗi day dứt của các "sếp" Ngân hàng VNCB

Ngày 30/8/2016, phiên tòa xét xử sơ thẩm Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục với phần nói lời sau cùng của các bị cáo trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) vào nghị án.

Nhiều bị cáo từng giữ vai trò lãnh đạo VNCB đã thể hiện sự day dứt, ăn năn về sai phạm và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, đồng thời xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các thuộc cấp.

Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB đối diện với mức án được đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị là 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Với vẻ bình tĩnh, Danh nói lời cảm ơn HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo chữa bệnh, đủ sức khỏe tham gia trong suốt quá trình xét xử.

Bị cáo Danh xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh và các nhân viên ngân hàng. Theo Danh, các nhân viên làm việc theo trách nhiệm, không hưởng lợi. Danh tỏ ra ăn năn, day dứt: “Trong suốt 3 năm qua, bị cáo  suy nghĩ rất nhiều. Họ là những người nhân viên không hề vụ lợi, những việc làm sai trái như ngày hôm nay của họ là do tin tưởng tôi. Không ít người trong số họ tin tưởng đề án tái cơ cấu là thành công. Mong HĐXX xem xét cho họ”.

Bị cáo Danh tỏ ra tự tin: “Tôi có thể khắc phục 100% hậu quả vụ án này. Trong toàn bộ hành vi của tôi không có hành vi nào tư lợi cá nhân hết. Kính mong Hội đồng xét xử xem xét lại và sự thật sẽ được làm sáng rõ”.


Các bị cáo trong phiên xét xử sáng 30/8

Cũng như “sếp” Danh, nguyên Tổng giám đốc VNCB Nguyễn Thành Mai cũng tỏ ra ăn năn: “25 tháng qua, ngày nào bị cáo cũng day dứt. Bị cáo được gia đình, xã hội, Đảng cho ăn học mà mình lại gây ra trọng tội. Hôm nay, đứng ở trước Tòa án TP.HCM bị cáo nhận thức rất rõ hành vi của bị cáo đã gây thất thoát ra sao cho ngân hàng và hậu quả gây ra cho những người khác”.

Mai rơi nước mắt, gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Bộ Xây dựng…vì bị cáo mà hình ảnh của họ bị ảnh hưởng. Bị cáo cũng xin lỗi các nhân viên ngân hàng đã vì bị cáo mà phải đứng ở đây hôm nay.

Bị cáo Mai thể hiện mong muốn xin HĐXX xem xét cho các thuộc cấp vì họ là những người có học thức, có nhiệt huyết với ngân hàng và không vụ lợi gì. Ngoài ra, Mai bày tỏ mong muốn HĐXX “tạo điều kiện cho anh Danh khắc phục hậu quả”.

Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Văn Bình (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Dung) cảm ơn đại diện VKS đã kiến nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Do bị cáo chỉ làm công ăn lương, trình độ hiểu biết có hạn. Vợ bị cáo bị mổ mất nửa lá phổi, không còn khả năng lao động, 2 con còn bé. Mong HĐXX cho bị cáo mức án thấp nhất để bị cáo có cơ hội chăm lo cho gia đình.

Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban kiểm soát VNCB) thừa nhận chưa làm hết trách nhiệm của bị cáo để gây ra những thất thoát. Trong 2 năm bị bắt, bị cáo cũng suy nghĩ rất nhiều. Viễn mong HĐXX xem xét cho bị cáo vì cha, mẹ nuôi của bị cáo đều là người có công với cách mạng. Mẹ nuôi của bị cáo giờ đã hơn 80 tuổi, mong Tòa tạo điều kiện cho bị cáo để có thể nuôi 2 con ăn học.

Cũng như Viễn, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) có gia đình giàu truyền thống, bị cáo từng mong muốn đem hết sức mình để cống hiến  để giúp ngân hàng vượt qua khó khăn. Mong HĐXX tạo điều kiện, cơ hội cho bị cáo và các bị cáo khác cơ hội được quay trở lại với xã hội để đóng góp sức mình.

Bị cáo Phan Minh Tùng (phụ trách Tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh) nói lời sau cùng bằng thái độ “chưa thực sự tâm phục, khẩu phục khi mà bị cáo bị cáo buộc cố ý làm trái”. Theo bị cáo, trong suốt 30 năm làm nghề kế toán, bị cáo chưa từng sai trong nghiệp vụ. Bị cáo chỉ lập báo cáo tài chính nhưng lại bị đề nghị mức án quá cao. Hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, mẹ và vợ mắc bệnh hiểm nghèo, bố  mất sớm, 2 con còn nhỏ. Bị cáo mong HĐXX công minh xem xét lại cho bị cáo.

Bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) thể hiện sự ăn năn, xin lỗi tất cả mọi người trong gia đình và toàn bộ nhân viên ngân hàng vì những thất thoát. Mong mọi người chấp nhận lời xin lỗi của bị cáo. Bị cáo Khương cũng đề nghị HĐXX xem xét mức hình phát thấp nhất cho các nhân viên ngân hàng, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh để họ được gần gũi với gia đình.

theo Công lý

Từ khóa: