Bốn bị cáo liên quan đến vụ án MB24, lừa đảo trên 10 tỷ đồng của hơn 500 người dân đã bị đưa ra xét xử. Nhưng tại phiên tòa các bị cáo không đồng tình với nhiều nội dung trong cáo trạng.
Bác bỏ cáo trạng
Nhiều người dân dù ở xa vẫn nán lại dự phiên tòa. Ảnh: Trang Anh.
Sáng ngày 5/6, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử đối với các bị cáo Ngô Văn Chiến (SN 1980), Trần Văn Sự (SN 1975), Đặng Anh Tuấn (SN 1980) và Bùi Thị Chiên (SN 1977, cùng trú huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 226b Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa, các vị luật sư đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập nguyên 4 lãnh đạo của Công ty MB24 Hà Nội gồm, Nguyễn Tuấn Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị; Ngô Văn Huy - Giám đốc; Lê Văn Cường - Phó Giám đốc và Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Phòng kỹ thuật để thẩm vấn và làm sáng tỏ một số tình tiết trong vụ án.
Nhưng HĐXX cho rằng, đã có yêu cầu lên Bộ Công an trích xuất 4 người có liên quan này, nhưng do các bị án đang thụ án tại nhiều nơi nên không thể trích xuất để tham gia phiên tòa. Thế nên HĐXX vẫn tiếp tục phiên tòa.
Vào chiều cùng ngày, sau khi đại diện VKS đọc cáo trạng, các bị cáo đều phản đối và cho rằng cáo trạng có nhiều điểm không hợp lí.
Bị cáo Chiến cho rằng, những điểm trong cáo trạng chưa hợp lí như: MB24 chinh nhánh Đắk Lắk không mua bán gian hàng ảo, không đưa thông tin lên đại chúng rằng đây là sàn giao dịch điện tử. Tất cả số tiền và giao dịch đều được chuyển cho MB24 Hà Nội, còn chi nhánh không thu 10 tỷ như nội dung cáo trạng.
Ba bị cáo còn lại cùng không chấp nhận và cho rằng bản cáo trạng truy tố không chính xác tội danh.
Bốn bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo hơn 10 tỷ. (Chiến, Tuấn, Sự, Chiên, từ trái qua). Ảnh: Trang Anh.
Tại phiên tòa, HĐXX hỏi các bị cáo: “Các bị cáo có biết sàn giao dịch không được cấp phép kinh doanh là “Sàn giao dịch thương mại điện tử ?”.
Tại đây, các bị cáo đều cho rằng bản thân không biết vấn đề sàn giao dịch chưa được cấp phép. Chỉ thấy MB24 có biển hiệu, có nhiều chi nhánh nhỏ và có các cán bộ cấp cao tham gia nên tin tưởng và tham gia vào.
Các bị cáo còn cho biết, nếu người dân muốn tham gia làm hội viên, thành viên của MB24 thì phải trên 18 tuổi, có ít nhất 1 gian hàng cá nhân, chứng minh nhân dân, số điện thoại cố định…
Khi thẩm phán đưa ra câu hỏi: “Có phải MB24 yêu cầu chứng minh nhân dân để tạo sự tin tưởng cho người tham gia hay không?”. Lúc này, bị cáo Chiên khẳng định trước tòa là không.
“Người dân tham gia vào sàn giao dịch đều từ 18 tuổi trở lên nên các bị cáo không thể lôi kéo hay dụ dỗ được”, bị cáo Chiên trình bày trước tòa.
Cũng tại đây vị thẩm phán cho rằng, không phải cứ trên 18 tuổi là không thể bị lừa, lôi kéo vào MB24.
Khi HĐXX hỏi các bị cáo: “Hoạt động kinh doanh của MB24 thu lợi nhuận chủ yếu từ những nguồn nào, có phải xuất phát từ buôn bán hàng hóa ?”.
Trả lời trước tòa các bị cáo quanh co, trả lời vòng vo mà không đi thẳng vào câu hỏi của HĐXX nên vị thẩm phán đã nhắc nhở. Nhưng cũng tại đây, các bị cáo lại cho rằng, các bị cáo chưa được hưởng bất kì lợi nhuận nào từ MB24 từ ngày tham gia đến khi bị bắt.
“Các bị cáo đều tự bỏ tiền cá nhân ra để thành lập chi nhánh tại Đắk Lắk, cá nhân bị cáo chưa nhận được lợi nhuận nào từ đây mà chỉ nhận được điểm (Đ) từ MB24 Hà Nội. Nhưng đến khi bị bắt giữ, MB24 Hà Nội vẫn chưa quy đổi điểm (Đ) ra tiền mặt cho các bị cáo”, bị cáo Tuấn khai trước tòa.
Nạn nhân lên tiếng
Nạn nhân Nguyễn Tấn Hùng mong muốn HĐXX xử lí nghiêm các bị cáo và yêu cầu các bị cáo hoàn trả lại số tiền người dân đã góp vốn. Ảnh: Trang Anh.
Mặc dù vào phiên tòa buổi chiều đã có nhiều nạn nhân trong vụ án ra về do điều kiện gia đình và đường xá xa xôi, nhưng còn nhiều người vẫn cố gắng ở lại để nghe tòa xét hỏi các bị cáo.
Khi HĐXX đề nghị các nạn nhân trình bày lại cách thức lừa đảo vào sàn giao dịch của chi nhánh MB24 Đắk Lắk thì nhiều người dân đã dơ tay xin trình bày. Nhưng do thời gian có giới hạn nên HĐXX ưu tiên những nạn nhân ở xa đứng lên trình bày trước.
Ông Bùi Xuân Hưng (huyện Ea Kar) trình bày trước tòa rằng, gia đình ông đã bỏ ra 20 triệu đồng để mua 5 gian hàng của MB24. Mặc dù thế nhưng ông không hề biết giao dịch, buôn bán những mặt hàng gì.
Trước đó, ông được chị gái tên B.T.X (hiện đã mất) giới thiệu vào mua hàng. Từ ngày tham gia, ông không đăng tải các hàng hóa lên để bán. Nhưng vẫn tham gia đầy đủ hai cuộc họp của sàn giao dịch.
“Tôi tham gia hai cuộc hợp, một tại huyện và một tại TP Buôn Ma Thuột. Trong hai lần đó, tôi đều được ông Chiến và Tuấn cùng một sếp ở Hà Nội tuyên truyền, phổ biến cách thức hoạt động, mua gian hàng để mang lại lợi nhuận”, ông Hưng trình bày trước tòa.
Là gia đình hộ nghèo, lại có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bị người khác dụ dỗ anh Nguyễn Huy Sơn (huyện Lắk) đã phải bán ruộng của gia đình để mua 1 gian hàng với giá 5,2 triệu đồng. Nhưng do anh mời được một người tham gia nên số tiền phải trả chỉ còn lại 3,5 triệu đồng.
Với đôi mắt thất thần vì toàn bộ tài sản của gia đình dường như đã rơi vào sàn giao dịch ảo MB24, anh Nguyễn Tấn Hùng (huyện Ea Soup) mong muốn HĐXX xử lí nghiêm để các bị cáo phải chịu hình phạt thích đáng. Cùng với đó, anh cũng thay mặt mọi người mong HĐXX yêu cầu các bị cáo trả lại số tiền đã lừa đảo hơn 500 nạn nhân.
Đến 17h cùng ngày, HĐXX tuyên bố kết thúc phiên tòa xét xử ngày thứ nhất. Sáng ngày 6/6, phiên tòa sẽ tiếp tục được diễn ra. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày.
Trang Anh
Theo Đời sống & Pháp lý