Là thương hiệu xi măng số 1 tại khu vực phía Bắc, có mặt trên nhiều công trình trọng điểm quốc gia, cùng với lượng tiêu thụ rộng rãi trong các công trình dân dụng, trong những năm qua, Xi măng Hoàng Thạch luôn xứng danh thương hiệu Vicem Hoàng Thạch nhãn hiệu “Sư tử vàng”.
Là thương hiệu xi măng số 1 tại khu vực phía Bắc, có mặt trên nhiều công trình trọng điểm quốc gia, cùng với lượng tiêu thụ rộng rãi trong các công trình dân dụng, trong những năm qua, Xi măng Hoàng Thạch luôn xứng danh thương hiệu Vicem Hoàng Thạch nhãn hiệu “Sư tử vàng”.
Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch. Ảnh: Thanh Hương
Cũng như các doanh nghiệp khác, trong những năm gần đây, Cty Xi măng Vicem Hoàng Thạch gặp rất nhiều khó khăn như lạm phát tăng cao, ngân hàng siết chặt cho vay ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường bất động sản, các dự án công trình xây dựng bị cắt giảm hoặc giãn tiến độ, làm ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ xi măng của thị trường. Thêm vào đó, hầu hết giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như điện, than, xăng dầu,vỏ bao xi măng… đều tăng cao, tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty.
Tuy nhiên, khi đối mặt với thách thức, Vicem Hoàng Thạch luôn coi đó là cơ hội để “thử lửa”, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế bằng chính chất luợng sản phẩm và dịch vụ của mình. Nói như Tổng Giám đốc Đào Ngọc Bình và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Tảo (phụ trách tiêu thụ), để đứng vững và vượt lên được, phải liên tục có “chiêu” riêng.
Tháng 5/2012, sản phẩm xi măng xây trát cao cấp hiệu MC25 Hoàng Thạch được tung ra thị trường. Đây được coi là “chiêu riêng” của Hoàng Thạch, khi đưa ra một lựa chọn mới phù hợp với nhu cầu của thị trường (chất lượng cao, giá cả phải chăng).
Với nhiều tính năng nổi trội dành riêng cho xây trát, giá bán thấp hơn hẳn so với sản phẩm truyền thống (giá bán MC25 là 920.000 đồng/tấn, PCB30 là 1,26 triệu đồng/tấn), Hoàng Thạch đã “điểm trúng huyệt” thị trường xi măng giá rẻ phục vụ cho xây trát. Không bán hàng tràn lan trên tất cả các địa bàn, Xi măng Hoàng Thạch chọn địa bàn truyền thống gần kề nhà máy bằng Chương trình “Tri ân với Kinh Môn và Mạo Khê”, chỉ trong 2 tháng, Hoàng Thạch đã lấy lại thị phần đã mất tại địa bàn này.
Con số 25% thị phần tại Hà Nội mà nhãn hiệu Vicem Hoàng Thạch đạt được là giấc mơ của nhiều nhà sản xuất vật liệu xây dựng, không đơn thuần chỉ vì con số, mà vì sản phẩm của Hoàng Thạch còn chiếm chủ yếu ở các công trình dân dụng. Vì thế, khi thị trường bất động sản và xây dựng trầm lắng, Xi măng Hoàng Thạch vẫn có thể bán hàng nhờ vào tính toán hợp lý cho thị trường.
Năm 2012, tuy giá đầu vào tăng cao, nhưng Cty vẫn đạt doanh thu 4.005 tỷ đồng, lợi nhuận 250 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 225 tỷ đồng (bằng 104,2 % so năm 2011). Năm 2013, Cty đặt mục tiêu sản xuất hơn 3 triệu tấn clinker, gần 3,5 triệu tấn xi măng; tiêu thụ gần 4 triệu tấn xi măng và clinker, hơn 10.000 tấn vật liệu chịu lửa, 25 triệu vỏ bao xi măng; 250.000m3 đá xây dựng; doanh thu hơn 4.300 tỷ đồng.
Quý I/2013, Xi măng Hoàng Thạch tiêu thụ khoảng 1,06 triệu tấn, đạt 138% kế hoạch, tăng 4% so cùng kỳ 2012. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2013, lợi nhuận của Cty là 40 tỷ đồng, đạt 200% kế hoạch; nộp ngân sách 23 tỷ đồng, đạt 230% kế hoạch. Nếu giữ vững được con số này, kế hoạch tiêu thụ gần 4 triệu tấn trong năm 2013 nhiều khả năng sẽ về đích đúng hẹn.
Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, Hoàng Thạch đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm trong mua bán vật tư, phụ tùng, chi phí văn phòng.
Đặc biệt, Cty đã tiến hành khoán tiêu hao điện năng các khu vực nguyên liệu, lò nung, xi măng, đóng bao; tiêu hao xăng dầu xưởng xe máy; tiêu hao vật liệu nổ và nhiên liệu xưởng khai thác; tiêu hao than, dầu sản xuất clinker; tỷ lệ phụ gia xi măng; tiết kiệm điện... Năm 2012, tổng giá trị tiết kiệm 132 tỷ đồng.
Nỗ lực sản xuất kinh doanh, Cty đồng thời coi vấn đề bảo vệ môi trường trên hết. Hệ thống lọc bụi nhà máy có chế độ hoạt động nghiêm ngặt; nếu không bảo đảm thông số kỹ thuật, các quy trình quy phạm sẽ tự ngắt.
Đã thực hiện đa dạng hóa chủng loại phụ gia, nâng tỷ lệ phụ gia từ 20 lên 25% (quy khô) và sẽ lên 30% trong tương lai. Dự án tận dụng nhiệt khí thải làm nhà máy phát điện, công suất 14 MW; dùng than nhiệt lượng thấp cùng việc đầu tư thiết bị công nghệ nghiền, đốt hiện đại đang được triển khai.
Thanh Hương
theo Thanh tra