Sự kiện hot
6 năm trước

Xu hướng tiêu dùng Trà trên Thế giới năm 2019

Người tiêu dùng đang có nhu cầu sử dụng các loại trà như một đồ uống có lợi cho sức khỏe và dòng sản phẩm Trà đấu trộn thảo mộc và trà thực phẩm chức năng tiếp tục trở thành mặt hàng được ưa thích nhất trên thị trường, là những xu hướng tiêu dùng trà trong năm 2019.

Thị trường chè toàn cầu đang tăng lên trong những năm gần đây. Theo Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thế giới đã tiêu thụ khoảng 2,9 triệu tấn chè vào năm 2016, tăng so với 1,6 triệu năm 2002 và dự kiến tiêu thụ chè sẽ đạt 3,3 triệu tấn vào năm 2021.

Song sự bùng nổ của văn hoá cà phê tại các trung tâm đô thị phương Tây đã lan rộng đến châu Á, khiến ngành chè phải cạnh tranh để phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với xu hướng. Dự kiến tiêu thụ chè sẽ tăng nhanh hơn cà phê cho tới năm 2021 với mức tăng trưởng dự kiến của chè là 15% so với 11,3% của cà phê. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tiêu thụ cà phê hiện vẫn còn thấp hơn chè và thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ của phương Tây.

Bên cạnh đó, có một thách thức khác đối với các nhãn hiệu trà là những người uống trà đang có xu hướng đến các quán cà phê với bạn bè nhiều hơn. Ngoài ra, làm thế nào để có thể thuyết phục người tiêu dùng rằng trà là một thứ đồ uống thông thường và phổ biến nhưng cũng rất đáng để trả thêm chi phí cho nhiều loại hương vị, màu sắc được tạo ra khi thêm vào trái cây, gia vị hay các loại thảo mộc.

Bàn về xu hướng tiêu dùng Trà trong năm 2019, Tạp chí World Tea News đã phỏng vấn những chuyên gia của ngành chè trên thế giới. Theo chuyên gia Maria Uspenski sở hữu The Tea Spot cho rằng, trong một vài năm qua đã và đang chứng kiến một sự phân chia mạnh mẽ trong thói quen mua trà của người tiêu dùng. Trước đây thị trường rất ưa chuộng các loại trà dùng cho bữa sáng truyền thống và chè đen ướp hương, cùng với đó là sự tăng trưởng ổn định trong phân khúc chè xanh. Giờ đây chúng ta lại thấy được sự thịnh hành đáng kể của hai phân khúc thị trường rất khác biệt là: Trà thảo mộc và trà chế biến thủ công từ các đồn điền riêng lẻ.

Xu hướng tiêu dùng của tầng lớp khách hàng am hiểu về Trà luôn đòi hỏi sự chuẩn xác và câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm để kết nối họ với những nghệ nhân làm trà, những người đã sản xuất trà một cách truyền thống. Xu hướng tiêu dùng trà như một đồ uống có lợi cho sức khỏe đó là dòng sản phẩm Trà đấu trộn thảo mộc, và trà thực phẩm chức năng sự ưa thích của khách hàng đối với dòng trà này đã cho họ cảm thấy ổn hơn, đỡ stress và nhiều năng lượng hơn và khiến cho loại trà này tiếp tục trở thành mặt hàng được ưa thích nhất trên thị trường.

Lý do chính khiến khách hàng tìm đến trà chức năng là để cải thiện sức khỏe, chống viêm, cải thiện tiêu hóa, thải độc, điều hòa năng lượng (thường là để dễ ngủ) và giảm stress. Sức mạnh đến từ thực vật đang là một trào lưu thịnh hành với các loại thảo mộc và thậm chí là nguyên liệu rau củ mới được thềm vào cũng như các phương pháp trà thiền độc đáo.

Theo Nishchal Banskota đồng sáng lập Nepal Tea cho rằng “Minh bạch” vẫn là một từ nóng trong năm 2019 và còn tiếp tục trong những năm tới vì ngày càng nhiều khách hàng muốn biết về nguồn gốc thực sự và câu chuyện sản xuất đằng sau sản phẩm. Với việc nhiều nhãn hàng lớn tiết lộ nguồn gốc sản phẩm của họ cùng ảnh hưởng mà họ tạo ra đối với nông dân trồng trà và vườn trà của họ, thì các công ty nhỏ hơn chắc chắn sẽ làm theo, điều này đồng nghĩa với việc nguồn gốc xuất xứ được hiểu rõ ràng và một sự kết nối thực sự với những người nông dân.

Riêng tại Việt Nam, năm 2018, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 128 nghìn tấn, trị giá 219 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, năm 2019, xuất khẩu chè sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do cung vượt cầu trên thị trường thế giới. Nhiều quốc gia tiếp tục mở rộng khả năng sản xuất mà không chú ý đến thực tế nguồn cung đang lớn hơn nhu cầu. Năm 2018, FAO ước tính lượng chè thặng dư khoảng 75.000 tấn và dự kiến sẽ tăng lên 128.000 tấn trong năm 2020. Trong khi tiêu thụ chè ít biến động và tiêu thụ năm 2018 ước tính sẽ tương đương so với năm 2017.

Trong bối cảnh nhu cầu không tăng, để phát triển ngành chè cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chú ý đến chất lượng sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm chè, phối trộn với các thứ nước uống khác để tạo nên hương vị đa dạng, giảm các chất gây tác dụng phụ trong chè, bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới.

Bảo An
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: