Sự kiện hot
13 năm trước

Xử nợ xấu: Bài học từ Mỹ và Trung Quốc

Thời gian gần đây, “nợ xấu” đang là bài toán gây nhiều tranh cãi bởi có nhiều đáp án khác nhau. Tuy “nợ xấu” không còn là vấn đề mới trên thế giới nhưng chính Việt Nam hiện nay lại gặp nhiều khó khăn vì thực trạng thiếu kinh nghiệm xử lí của tất cả các bên liên quan.

Thời gian gần đây, “nợ xấu” đang là bài toán gây nhiều tranh cãi bởi có nhiều đáp án khác nhau. Tuy “nợ xấu” không còn là vấn đề mới trên thế giới nhưng chính Việt Nam hiện nay lại gặp nhiều khó khăn vì thực trạng thiếu kinh nghiệm xử lí của tất cả các bên liên quan.

Cho “vay dưới chuẩn”: Lòng tham giống nhau

Hai cường quốc kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc đã từng “gánh” khoản nợ xấu cao ngất ngưỡng. Hệ thống tài chính ngân hàng rơi vào tình trạng báo động cao nhất và rất nhiều ngân hàng đã phải “trả giá”. Theo ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB, năm 2003, Trung Quốc có bốn ngân hàng Thương mại (NHTM) quốc doanh lớn nhất với tổng tài sản khoảng 15.200 tỷ Nhân dân tệ (NDT), chiếm khoảng 55% tổng tài sản của hệ thống tài chính. Các “đại gia” làng tài chính đã cho vay tới 90% dư nợ của các công ty nhà nước và tỏ ra khá thoải mái trong các khoản vay đầu tư bất động sản, chứng khoán

Điều này không mấy khác so với tình trạng cho “vay dưới chuẩn” (vay với mức độ rủi ro cao) của các ngân hàng ở Hoa Kỳ giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế tài chính 2008.

Việc ác ngân hàng Trung Quốc phải gánh nhiều khoản vay khó đòi xuất phát từ các xí nghiệp quốc doanh liên tục làm ăn cthua lỗ. Có tới 70% xí nghiệp quốc hữu ở thâm vốn nặng, và đến 98% xí nghiệp phải sống vật vờ nhờ các khoản vay ngân hàng. Trong khi đó, Hoa Kỳ năm 2007 phải gánh con số dư nợ là 1.300 tỷ (trong khi năm 2001 là 160 tỷ USD). Hậu quả là hàng loạt ngân hàng lão làng như Bear Stearns, Lehman Brothers, Washington Mutual… tuyên bố phá sản.

Tính cạnh tranh trong thị trường tài chính và tham vọng kiếm lợi từ việc cho vay thế chấp khiến nhiều ngân hàng mờ mắt và không dự đoán trước các rủi ro có thể xảy ra. Việc “chạy đua cho vay” bởi miếng mồi ngon đang nóng từ thị trường chứng khoán và bất động sản đã vô tình dẫn các NHTM vào thế khó mang khi “bong bóng” nhà đất, chứng khoán vỡ tung do được “bơm tiền” quá mức.

Từ cái chung...

Khi thị trường tài chính ngân hàng sụp đổ, cả thực tế và lý thuyết vĩ mô đều chứng minh, hiệu ứng Domino sẽ xảy ra nhanh chóng trên các thị trường tín dụng, chứng khoán, bất động sản, thương mại... Trước thực trạng nợ xấu tăng đột biến có thể đánh đổ tất cả các ngân hàng, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những động thái “không hẹn mà gặp” để đến một mục tiêu chung là giải cứu nền kinh tế nước nhà.

Cả hai đều tung chính sách chứng khoán hóa các khoảng nợ xấu của các NHTM. Đây được xem là chính sách ưu tiên và trọng tâm trong chuỗi giải pháp của hai nước. Năm 1999, ngân hàng trung ương Trung Quốc PBC đã thành lập 4 công ty quản lý tài sản, có trách nhiệm xử lí nợ xấu cho một số NHTM quốc doanh. Các công ty này chịu sự quản lý và chỉ đạo đồng thời của Bộ Tài chính, PBC và liên hệ chặt chẽ với các NHTM. Các công ty này đã mạnh dạng cho chứng khoán hóa các khoảng nợ của NHTM và mua lại chúng nhằm thổi vốn vào tình trạng cạn kiệt của các ngân hàng. Chính giải pháp này đã cải thiện tỷ lệ thu hồi nợ xấu của các NHTM (Huarong 32,5%, Great Wall 24%, Cinda 35,1%).

Trong khi đó, Bộ Tài chính, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) của Hoa Kỳ đã cho ra đời ngân quỹ (dưới dạng các gói tiền 200 tỷ USD, 500 tỷ USD hay thậm chí là 700 tỷ USD) nhằm bảo lãnh cho việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu. Đây là hai động thái giống nhau về bản chất, chính là mua cổ phiếu ưu đãi – mua cổ phiếu với mức lợi tức không phụ thuộc vào lợi nhuận và cũng không được tham gia điều hành ngân hàng – do các NHTM phát hành nhằm tạo vốn cho các NHTM đang lâm nợ có thể tái cấu trúc. Đồng thời, đây là cách tối ưu hóa việc chia nhỏ rủi ro tín dụng của NHTM đến các nhà đầu tư thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, hai cường quốc này còn áp dụng biện pháp mua lại nợ xấu cho các NHTM. Các khoản nợ xấu sẽ được phân loại và được các công ty nợ xấu hoặc các tổ chức tương tự mua lại. Động thái này một mặt tạo vốn cho các NHTM để hoạt động trong thời gian cấp bách, một phần khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn, kích thích kênh đầu tư tạo cơ hội cho nền kinh tế tái hoạt động. Để bổ trợ cho giải pháp này, các công ty nợ xấu còn giúp những NHTM yếu kém giải quyết các vấn đề thanh khoản tạm thời nhằm tạo động lực cho việc tái cấu trúc hệ thống.

Đến giải pháp riêng

Hoa Kỳ trong quá trình tiến hành xử lí nợ xấu đã nhận thấy sau khi bong bóng vỡ, thị trường bất động sản èo uột là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi vốn chậm của các cá nhân doanh nghiệp, sâu xa hơn là các NHTM. Chính vì thế, chính phủ nước này mạnh tay tung gói cứu trợ 300 tỷ USD nhằm giúp đỡ 400.000 người dân trước nguy cơ mất nhà. Ngoài ra, gói cứu trợ 14,5 tỉ USD nhằm giảm thuế nhà đất để kích thích cầu đất trong thị trường. Đó là chưa kể những động thái mua lại các NHTM thua lỗ, điển hình là việc tập đoàn tài chính Countrywide Financial – tập đoàn cho vay thế chấp lớn nhất Mỹ đã được ngân hàng Bank of America mua lại sau khi Countrywide rơi vào tình trạng “mất tiền” do khách hàng thua lỗ không hoàn vốn.

Trong khi đó, Trung Quốc ra sức cứu các doanh nghiệp – nguyên nhân cốt yếu cho sự sụp đổ của các NHTM bằng biện pháp “vượt lên chính mình”. Chính phủ Trung Quốc bỏ ra 40 tỷ Nhân dân tệ (năm 1998) để xóa nợ cho các doanh nghiệp thua lỗ có nguy cơ phá sản, đồng thời giúp họ tái thiết lập hệ thống kinh doanh dưới dự hỗ trợ tài chính và tư vấn của các chuyên gia thuộc chính phủ. Nếu như Hoa Kỳ tập trung các gói cứu trợ quy mô lớn mang tính toàn diện vào các NHTM, thì chính Trung Quốc trực tiếp can thiệp vào việc cơ cấu lại tổ chức, tái hoạt động các NHTM, các doanh nghiệp.

Một điều khác biệt quan trọng nữa chính là việc tập trung các kênh giải quyết nợ xấu của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc đứng đầu là chính phủ tập trung giải quyết trực tiếp các khoản nợ xấu cùng những hệ lụy của nó. Tuy nhiên, với Hoa Kỳ ngoài sự can thiệp chính phủ đã mở rộng kênh giải cứu nền kinh tế. Điển hình nhất là việc kết hợp với doanh nghiệp tư nhân giải quyết nợ xấu. Chính phủ Hoa Kỳ rót tiền hỗ trợ vào các ngân hàng lớn nhằm gián tiếp khuyến khích mua lại các NHTM yếu kém và các tổ chức tính dụng sắp phá sản. Điều này giúp chia nhỏ những món nợ khổng lồ, chia nhỏ rủi ro và áp lực lên vai ngân hàng nhà nước.

Đồng thời, đây cũng là bài “tập trận” cho các doanh nghiệp về cách giải quyết nợ xấu. Chính giải pháp trên giúp Hoa Kỳ được đánh giá thành công hơn Trung Quốc trong việc giải quyết lượng nợ xấu khổng lồ. Và tất nhiên với Việt Nam, việc mở rộng kênh xử lý nợ xấu tương tự như Hoa Kỳ cũng là một giải pháp cần nghiên cứu kỹ, nhất là khi ngân sách của ngân hàng nhà nước khi đầu tư cho công ty mua nợ xấu hiện nay là thiếu hụt. Bên cạnh đó, chính ngân hàng nhà nước vẫn còn tỏ ra thận trọng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển “nợ xấu” thành “vốn” của mình.

Câu chuyện “nợ xấu” sẽ còn là vấn đề tranh cãi nhất là khi việc thành lập các công ty nợ xấu gặp rất nhiều khó khăn trong khâu “minh bạch hóa”. Xét về mặt kinh tế học, nhà nước cứu doanh nghiệp này đồng nghĩa là lấy đi “miếng cơm” của doanh nghiệp khác dù ít hay nhiều. Đặc biệt, khi “miếng cơm” ấy liên quan đến nhiều người thì việc giải quyết càng khó khăn.

Với Việt Nam, khi chưa có một động thái hay quyết định rõ ràng thì việc xử lí nợ xấu vẫn là một bài toán chưa nhận ra đáp số cuối cùng. Nên nhớ rằng, điểm chung nhất đáng chú ý giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chính là tính nhanh gọn và quyết đoán từ quá trình thực thi chính sách. Đó là bài học đáng chú ý nhất cho quá trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam.

Theo Vietnamnet

Từ khóa: