Từ ngày 10/11, công an Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ.
Từ ngày 10/11, công an Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ.
Ngay sau khi thông tin trên được phát đi, hàng triệu người dân đang sở hữu phương tiện nằm trong diện bị xử phạt như ngồi trên đống lửa.
"Siết chặt" sẽ đụng đến nồi cơm của dân
Theo lý giải của Phòng CSGT (CATP Hà Nội), vấn đề xử phạt đối với những phương tiện ô tô, xe máy không tiến hành sang tên đổi chủ xuất phát từ thực tiễn của quá trình thanh kiểm tra các chủ phương tiện trong thời gian gần đây. Cơ quan chức năng quản lý giao thông trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện nhiều chủ phương tiện mua bán xe ô tô, mô tô, xe máy chưa làm thủ tục sang tên chuyển chủ sở hữu. Thực trạng này tồn tại từ lâu, làm thất thu thuế của Nhà nước và gây khó khăn cho công tác quản lý, gây trở ngại lớn trong việc điều tra giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông cũng như xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông.
Chia sẻ với PV, một lãnh đạo cảnh sát giao thông (xin được giấu tên) cho biết, hiện nay đang có hàng nghìn chiếc xe máy nằm ở những điểm giữ xe vi phạm giao thông tại công an các quận, huyện, đội CSGT. Đa số trong đó là vật chứng một vụ TNGT, hoặc là tang vật vụ trộm cắp tài sản được tìm thấy. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đi xác minh theo số khung, số máy của xe thì đành chịu vì chiếc xe đã qua tay không biết bao chủ sở hữu. Số phương tiện trên bị các đối tượng bỏ lại tại hiện trường và không quay lại lấy.
Ý tưởng của công an TP. Hà Nội được xây dựng nhằm cụ thể hóa Nghị định 71 của Chính phủ siết chặt công tác quản lý và thực thi pháp luật đối với các chủ phương tiện không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc không làm đăng ký mới. Theo đó, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.
Từ 10/11, tại Hà Nội chủ xe không làm thủ tục sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt.
Trước thời khắc giờ G, nhiều chủ phương tiện cá nhân nằm trong diện chịu phạt đang tỏ ra hoang mang. Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Hồng Quân (Đông Anh, Hà Nội), một người có phương tiện đang rơi vào trường hợp trên tỏ ra vô cùng lo lắng. Anh Quân cho biết: "Chúng tôi là người dân lao động nghèo, để có một phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hoá làm kế sinh nhai thì chiếc xe là cái cần câu cơm duy nhất. Dẫu biết rằng, việc này sẽ giúp cơ quan chức năng dễ quản lý hơn, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong... cái lý, cũng cần có chút tình. Ngay chủ phương tiện như tôi còn không biết được những người chủ trước đây của chiếc xe máy thì làm sao làm đăng ký được".
Đồng quan điểm với anh Quân, ông Ngô Thực (Đống Đa, Hà Nội) có một băn khoăn khác, không biết sau khi bị xử phạt thì phương tiện có được phép lưu hành trở lại không. Điều gì sẽ đảm bảo những phương tiện trong diện bị "bật đèn đỏ" được phép lưu thông trên đường như những phương tiện khác. "Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người khác có xe mua bán trao tay đều khó khăn khi tìm chủ cũ. Chưa kể, trong trường hợp của tôi oái ăm hơn khi chủ chiếc xe ô tô tôi đang sở hữu đã mất. Tôi rất lo lắng. Nếu thực hiện máy móc Nghị định 71 của Chính phủ sẽ khiến chiếc xe của tôi trở thành gánh nợ. Cơ quan chức năng nên có phương án để người dân, những chủ sở hữu thực sự như chúng tôi cảm giác thoải mái khi đi phương tiện này trên đường".
Cần một giải pháp mở
Trao đổi với PV về vấn đề nói trên, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cho rằng, việc siết chặt quản lý đối với phương tiện là cần thiết và giúp cho công tác quản lý trở nên thuận lợi hơn. Điều này sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng kẻ xấu lợi dụng nhằm thực hiện hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, theo TS Thuỷ, để quy định này đi vào thực tế và thực sự phát huy hiệu quả sẽ rất khó khăn. "Nhiều trường hợp thay tên đổi chủ nhiều lần, thậm chí chủ phương tiện trước đây đã mất khiến người sở hữu phương tiện hiện tại rất khó truy tìm để hoàn thiện hồ sơ", ông Thủy nói.
Chuyên gia này cũng đặt ra hàng loạt tình huống. Nếu những trường hợp trên không tạo điều kiện để họ đăng ký, không lẽ xử phạt xong rồi lại tiếp tục cho phương tiện lưu hành, sau đó bắt trở lại xử phạt tiếp. Nguyên giám đốc NXB Giao thông góp ý: "Cần có một hướng mở cho các chủ phương tiện. Không nên thực hiện một cách máy móc. Thời hạn đưa ra vào 10/11 là tương đối gấp gáp, trong khi đa số người dân vẫn chưa biết gì về Nghị định này. Không những thế, mức xử phạt cao khiến người dân không thể đáp ứng được. Theo tôi, trước khi đưa quy định trên áp dụng vào thực tiễn cần có một sự tuyên truyền rộng rãi để người dân biết. Rõ ràng đa số người dân chưa biết quy định này thì việc xử lý chẳng khác gì "đánh úp" họ".
Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, những người sở hữu các phương tiện trên đa số là người lao động nghèo. Họ không có tiền để mua xe mới, đành mua xe cũ làm phương tiện đi lại. Giờ xử phạt ở mức cao như vậy vô hình trung đẩy họ vào cảnh nợ nần. "Phương tiện đi lại đối với ai cũng quan trọng, riêng với người nghèo càng quan trọng hơn vì đó là cần câu cơm của họ. Do đó, nếu chủ phương tiện đủ bằng chứng chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình thì tạo điều kiện cho họ làm thủ tục sang tên đổi chủ. Hạn chế những thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền toái cho dân. Tránh những trường hợp đánh đố, hành dân trong trường hợp xe sang tên đổi chủ nhiều lần, hay chủ trước đã chết", một chuyên gia kiến nghị.
Cũng liên quan đến quy định xử lý vi phạm này, đội trưởng một đội cảnh sát giao thông trên địa bàn Hà Nội cho biết: "Cuối tuần này chúng tôi sẽ được tập huấn về biện pháp xử lý phương tiện vi phạm không sang tên đổi chủ. Bản thân những người trực tiếp xử lý như chúng tôi cũng rất băn khoăn vì còn nhiều điểm chưa thực sự thông suốt. Rõ ràng, sẽ rất khó phát hiện và xử phạt những đối tượng không sang tên đổi chủ. Với hàng triệu xe máy và ô tô đang lưu hành việc kiểm tra, xử lý không phải là đơn giản".
Vị lãnh đạo này cũng đưa ra không ít ví dụ để minh chứng cho những suy luận của mình: "Nếu dừng phương tiện kiểm tra, họ chống chế rằng, xe này tôi đi mượn của bạn, giấy tờ đầy đủ, làm thế nào để xử lý. Hơn nữa, khi xử phạt xong chúng tôi không được phép thu giữ phương tiện, chẳng lẽ lại thả phương tiện, rồi sau đó gặp lại tiến hành xử phạt tiếp".
Nên phân loại để xử lý
Đội trưởng một đội CSGT cho rằng, cần đưa ra những hướng mở vừa đảm bảo được quyền của người dân vừa để những người thực thi công vụ dễ dàng hơn trong việc xử lý. Theo đó, nên phân loại để xử lý, trước hết khuyến khích người dân đến đăng ký sang tên, tạo điều kiện cho những chủ phương tiện đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp làm thủ tục sang tên đổi chủ. Tuyên truyền cho người dân biết được chủ trương rồi sau đó mới áp dụng việc xử phạt.
|
Trinh Phúc - Anh Văn
theo Người đưa tin