Hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực hiện là xu thế tất yếu. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều tìm cách để hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế toàn cầu còn tạo ra cơ hội hợp tác phát triển nhưng mức độ cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt.
Đây là những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo về kinh tế diễn ra mới đây.
Nhiều đại biểu cho rằng: Việc ký kết FTA với các đối tác khác nhau sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: Nông lâm thủy sản, giày dép, dệt may…
Ổn định thị trường tài chính ngân hàng
Tại Hội thảo “Kịch bản kinh tế 2015”, ông Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Trong năm qua, Việt Nam tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo động lực, niềm tin cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Cụ thể, tăng trưởng GDP tiếp tục xu hướng phục hồi, ước tăng xấp xỉ 6%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 4,09% (thấp nhất trong vòng 11 năm và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch 7%).
Năm qua còn ghi nhận hơn 74.800 DN đăng ký thành lập mới, 20.800 lượt DN có vốn đăng ký tăng thêm và gần 15.000 DN trở lại hoạt động, tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, thanh khoản được đảm bảo, lãi suất huy động và cho vay đều giảm, cung cầu ngoại tệ duy trì ổn định, tăng trưởng tín dụng cũng được cải thiện…
Chính phủ và các Bộ, ngành đã tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” như FTA với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan với Nga - Belarus - Kazakistan và đang đàm phán giai đoạn cuối hiệp định TPP, FTA với EU, Hiệp định đối tác toàn diện (RCEP) nhằm tạo ra môi trường hội nhập rộng mở và bình đẳng cho tất cả các DN trong nước.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch cho rằng, năm 2014 những chỉ báo kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực và đến thời điểm hiện tại có thể nói những khó khăn đã được cải thiện phần nào.
Điều đáng nói ngoài những chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, kìm chế lạm phát, những chính sách đã “thấm” vào từng ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, hoạt động DN khi hàng tồn kho công nghiệp chế biến chỉ tăng 9,4% (năm 2013 mức tăng này là 21,5%), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu đạt 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện đáng kể nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế chưa hấp thụ được vốn dẫn đến tình trạng thừa tiền, thiếu vốn do khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn hạn chế, nhất là các DN vừa và nhỏ.
“Do lạm phát kỳ vọng cả năm là 6,5 - 7%, nên việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi bị hạn chế và lãi suất cho vay dù đã kéo giảm nhiều lần nhưng vẫn còn khá cao, đặc biệt là lãi suất trung dài hạn nên không kích thích được các DN đang có thị trường mở rộng đầu tư và vẫn là nguy cơ làm tăng nợ xấu đối với nhũng DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất”, TS Lịch phân tích.
Thách thức trong môi trường hội nhập
Môi trường kinh tế dần hồi phục cùng với sự hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế đang tạo ra nhiều cơ hội to lớn cho các DN Việt Nam.
Trước hết, việc ký kết FTA với các đối tác khác nhau sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: Nông lâm thủy sản, giày dép, dệt may…
Tạo cơ hội cho các DN trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác, quan hệ quốc tế còn thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nguồn lực cho đất nước.
Thực tế, trong suốt thời gian qua việc hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường đã đưa nền kinh tế đất nước phát triển vượt bậc cả về lực lượng và quan hệ sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các DN trong dài hạn.
Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị tốt không ai khác chính các DN sẽ phải chịu sức ép lớn từ mở cửa thị trường dẫn đến nhiều ngành sản xuất, dịch vụ trong nước sẽ gặp khó khăn khi phải “thi đấu” sòng phẳng với nhiều đối thủ tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm.
Tự do hóa thương mại có thể dẫn đến phá sản và tình trạng thất nghiệp ở những DN có năng lực cạnh tranh yếu.
Sẽ khó có thể tận dụng được những ưu đãi của FTA nếu DN Việt Nam không tự đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, quy trình công nghệ, tuân thủ quy định về VSATTP, môi trường, lao động…
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ, việc Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, thông qua tiến trình tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu đã thực sự tạo ra cơ hội và nhiều thách thức cho các DN Việt Nam.
Khi mở rộng thị trường DN phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, khả năng quản trị, ứng biến kịp thời trước sự thay đổi, cạnh tranh, các biện pháp phòng vệ thương mại nếu không muốn phải thu hẹp sản xuất hoặc rút khỏi thị trường.
Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập và cạnh tranh sắp tới, các chuyên gia cho rằng, ngoài những chính sách vĩ mô - bệ đỡ từ nên kinh tế, các DN mới chính là yếu tố đóng vai trò quyết định vì vậy, ngay từ bây giờ các DN cần chủ động đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao năng lực, tận dụng tối đa các cơ hội mà thị trường, vốn, công nghệ từ quá trình hội nhập mang lại.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm nay, các mục tiêu đặt ra của Chính phủ đều hướng vào giải quyết đồng bộ những vấn đề quan trọng như sức mua thị trường, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại gắn liền với chính sách tiền tệ linh hoạt, làm ấm thị trường bất động sản và hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm công nghệ cao….
Tất cả sẽ tạo tiền đề thuận lợi, “bàn đạp” cho cộng đồng DN có được những bước đi vững chắc từ đầu trong quá trình hội nhập quốc tế ngay trên sân nhà.
Thanh Tuyết
theo Xây dựng