Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ có thể giảm 15 - 20% trong năm 2017 do các doanh nghiệp xuất khẩu không đủ các đơn hàng cho các tháng tiếp theo.
Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ có thể giảm từ 15 đến 20% trong năm nay
Theo số liệu xuất khẩu của Ủy ban Cà phê Ấn Độ, từ ngày 1/1 đến 17/7, tổng lượng cà phê xuất khẩu của Ấn Độ đạt 216.926 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. “Mức giảm sẽ lớn hơn trong các tháng tiếp theo”, ông Ramesh Rajah, Chủ tịch hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Ấn Độ cho biết.
“Những tháng cuối năm 2016, chúng tôi có rất ít đơn hàng trong khi có dự báo người trồng cà phê giảm 30% diện tích trồng. Nhưng đến cuối năm, diện tích trồng chỉ giảm 10%. Bất kỳ đơn hàng chúng tôi có đều được giao hết. Bây giờ rất khó để tìm khách hàng bởi họ đã mua ở nơi khác rồi”, ông Rajah nói.
Theo ước tính của Ủy ban Cà phê Ấn Độ, tổng sản lượng cà phê của niên vụ 2016 – 2017 khoảng 316.700 tấn, trong đó gồm 220.500 tấn robusta và 96.200 tấn arabica.
Giá cà phê robusta kỳ hạn trên toàn cầu đã tăng lên trên 2.200 USD/tấn vào tháng 1, nhưng giảm đến 200 USD/tấn vào các tháng sau đó. Hiện tại, giá cà phê loại này đã tăng lên mức 2.126 USD/tấn. “Khách mua giảm trong khi người trồng cà phê đòi giá cao hơn. Mặc dù hiện nay giá đã tăng nhưng việc bán hàng lại không mấy trôi chảy”, ông MP Deviah, Giám đốc công ty xuất khẩu cà phê Allansons cho biết.
Các công ty xuất khẩu cà phê đang đặt hy vọng vào vụ tới, nguồn cung sẽ lại giảm do hạn hán ở các vùng trồng cà phê ở bang Karnataka và Kerala. Trong khi đó người trồng cà phê đã chặt bỏ diện tích lớn cà phê arabica vào năm ngoái. Họ chủ yếu giữ lại robusta, loại chiếm 70% sản lượng cà phê của Ấn Độ. Do vậy, sản lượng cà phê vụ tới sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
“Nước ngầm không đủ và gió mùa Tây Nam yếu. Dù cà phê ra hoa đều nhưng giai đoạn đầu quả sẽ bị ảnh hưởng nhiều do mưa ít. Do vậy, theo tính toán của chúng tôi thì sản lượng có thể giảm đến 30%”, ông MM Chengappa, Chủ tịch hội nông dân bang Karnataka cho biết.
Vùng chuyên canh cà phê Wayanad của bang Kerala bị hạn nặng nhất. Ông Prashant Rajesh, Thư ký hiệp hội người trồng cà phê ở Wayanad cho biết: “Mưa không đều và nắng nóng đã làm bùng phát bệnh nấm ở cây cà phê. Theo tình hình hiện tại thì sản lượng vụ tới giảm khoảng 15%”.
Việt Anh
Theo KTTD, Vietnambiz