Sự kiện hot
7 năm trước

Xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm tăng cả khối lượng và giá trị

Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với 124.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ chè toàn cầu ngày càng tăng, giúp cho xuất khẩu chè của Việt Nam trong thời gian tới có nhiều triển vọng, đặc biệt là trong quý 4/2017.

Theo báo cáo "Kết quả thực hiện kế hoạch tháng 8/2017 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 13 ngàn tấn với giá trị đạt 22 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 90 ngàn tấn và 142 triệu USD, tăng 12% về khối lượng và tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Top 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam là: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga, trong 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu chè tới 3 thị trường này chiếm tới 51,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Trong đó, Pakistan luôn dẫn đầu thị trường về tiêu thụ chè của Việt Nam, dù xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan luôn đạt kim ngạch cao, song vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng lượng chè tiêu thụ tại thị trường này và chỉ chiếm 2,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu chè của nước này; trong năm 2016 và 8 tháng năm 2017, xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này đang giảm cả về lượng và kim ngạch. Nguyên nhân được cho là do sản phẩm chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại (chủ yếu là chè đen, chè xanh và chè nguyên liệu), chất lượng, mẫu mã còn chưa hấp dẫn khiến chè Việt Nam thiếu sức cạnh tranh trên thị trường Pakistan.

Mặc dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 7 trên thế giới, nhưng đa phần chè Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ... Chính vì vậy đến nay, lượng chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với sức tiêu thụ của thế giới.

Dự kiến, mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức lợi ích sức khỏe từ việc tiêu thụ chè lan rộng trên toàn thế giới, thu hút mọi người uống trà một cách thường xuyên. Tuy nhiên, nguồn cung chè trên thế giới hiện đang bị thiếu hụt do thời tiết khô nóng làm giảm sản lượng tại các nước sản xuất, xuất khẩu lớn là Kenya và Ấn Độ. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chè lớn trên thế giới là Sri Lanka đang phải gánh chịu ảnh hưởng đợt mưa lũ và lở đất nghiêm trọng cũng làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu chè. Tại nước sản xuất chè khác là Bangladesh cũng gặp phải trận bão lớn gây thiệt hại nặng nề tới mùa màng.

Theo đó, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2017 sẽ được thúc đẩy, bởi nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường toàn cầu và nguồn cung hạn chế. Nguồn cung thiếu hụt sẽ là tác nhân chính thúc đẩy giá chè xuất khẩu tăng mạnh, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn. Thế nhưng, khối lượng chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với sức tiêu thụ của thế giới, song với nhu cầu tiêu thụ chè trên thế giới ngày càng tăng, xuất khẩu chè của Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn nhiều triển vọng.

Thuận lợi trong xuất khẩu chè là rất lớn song cũng có không ít khó khăn. Ngoài việc chưa có sản phẩm chè chất lượng thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao, xuất khẩu chè Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Cách thức trồng, chế biến chè vẫn còn một số khâu chưa tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan thì các doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để nâng cao giá trị chè xuất khẩu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Hiệp hội Chè Việt Nam chấn chỉnh và nâng cao năng lực của các thành viên Hiệp hội trong việc tổ chức thu mua nguyên liệu với giá cả hợp lý, phấn đấu đưa giá trị chè xuất khẩu Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát, sửa đổi bổ sung quy hoạch sản xuất chè, có kế hoạch trồng mới, trồng thay thế bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; phổ biến áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến chè. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến chè quy mô nhỏ; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, phát hiện các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm chè từ khâu sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra, các cơ quan ngành và doanh nghiệp xây dựng mối liên kết kinh tế bền vững giữa hộ nông dân, hợp tác xã với các cơ sở chế biến chè, đáp ứng điều kiện sản xuất, chất lượng và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và cơ sở chế biến.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có sản xuất chè chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm; xử lý nghiêm đối với các cơ sở đã pha trộn tạp chất vào chế biến chè; kiên quyết ngăn chặn không để tái diễn tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè kém chất lượng, không đảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; rà soát quy hoạch cơ sở chế biến, bảo đảm phù hợp với vùng nguyên liệu trên địa bàn; chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư cơ sở chế biến theo các quy chuẩn kỹ thuật; định kỳ kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất, chất lượng chè của các cơ sở chế biến này.

Hồng Anh

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng 

Từ khóa: