Sự kiện hot
6 năm trước

Xuất khẩu chè của Việt Nam tăng 14% so với cùng kỳ

4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chè của nước ta tăng 4,8% về khối lượng và tăng 14,0% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đây là một tín hiệu sáng cho ngành chè.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu chè của Việt Nam, khối lượng xuất khẩu chè tháng 4 năm 2019 ước đạt 10 nghìn tấn với giá trị đạt 15 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 37 nghìn tấn và 62 triệu USD, tăng 4,8% về khối lượng và tăng 14,0% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm 2019, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan tăng 89% về khối lượng và tăng 73,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2019 đạt 1.751 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu chè ô long đạt 72 tấn, trị giá 329 nghìn USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 68% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè ô long đạt 4.569,7 USD/tấn, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2018. Chè đen là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất về lượng trong 3 tháng đầu năm 2019, đạt 12,5 nghìn tấn, trị giá 14,6 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 22,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng chè đen giảm mạnh, từ 62,9% trong 3 tháng đầu năm 2018, xuống còn 46,9% trong 3 tháng đầu năm 2019.

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng tới 126,3% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù lượng xuất khẩu giảm 22,1%, nhờ sự tăng trưởng mạnh của giá xuất khẩu. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình của chè Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 4.036 USD/tấn trong quý 1/2019, tăng gấp 3 lần so với quý 1/2018. Nguyên nhân là do Trung Quốc đang có xu hướng tăng nhập khẩu các loại chè chất lượng cao hơn để tạo ra các dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân tại nước này. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc kéo theo nhu cầu tiêu dùng các loại chè thế hệ mới như chè thảo mộc, matcha, espresso hay chè hoa quả, và nhóm này sẵn sàng chi trả chi phí cao hơn cho các loại chè phù hợp với nhu cầu của mình. Do đó, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp này đã góp phần làm tăng kim ngạch nhập khẩu chè của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Thương mại Đài Loan, Đài Loan nhập khẩu chè chủ yếu từ thị trường Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019, đạt 3,4 nghìn tấn, trị giá 5,24 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần chè Việt Nam trong tổng nhập khẩu vào thị trường Đài Loan tăng thêm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Giá nhập khẩu chè bình quân từ Việt Nam đạt 1.526,1 USD/tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam và Xri Lan-ca là hai thị trường cung cấp chè đen lớn nhất cho thị trường Đài Loan. Trong khi nhập khẩu chè đen từ Việt Nam tăng mạnh về lượng và trị giá, thì Đài Loan giảm nhập khẩu chè đen từ Xri Lan-ca. Tỷ trọng nhập khẩu chè đen từ Việt Nam tăng thêm 4,3%, tỷ trọng nhập khẩu chè đen từ Xri Lan-ca giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Đài Loan nhập khẩu chè xanh chủ yếu từ thị trường Việt Nam với lượng và trị giá đạt 1,15 nghìn tấn và 1,7 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng nhập khẩu chè xanh từ Việt Nam chiếm 75,4% tổng lượng chè xanh nhập khẩu của Đài Loan. Tiếp theo là một số thị trường khác như: Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Xri Lan-ca, Tan-da-ni-a...

Thị trường chè nguyên liệu trong nước trong tháng 4/2019 diễn biến ổn định. Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao vẫn giữ mức 200.000 đ/kg, chè xanh búp khô là 105.000 đ/kg. Tại Lâm Đồng, giá chè cành ổn định ở mức 8.500 đ/kg, chè hạt giảm nhẹ 100 đ/kg so với tháng trước còn 7.100 đ/kg. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá chè sẽ biến động mạnh trong các tháng tiếp theo.

Bảo An

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: