Sự kiện hot
5 năm trước

Xuất khẩu chè năm 2020: Tăng trưởng nhờ giá chè thế giới phục hồi

Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 12/2019 đạt 15.090 tấn, trị giá 24,3 triệu USD, tăng 28,8% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với cùng kì năm 2018.

Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè trong tháng 12/2019 đạt 1.611,7 USD/tấn, giảm 12% so với tháng 12/2018. Theo đó, tính chung năm 2019, xuất khẩu chè đạt 137.100 tấn, trị giá 236,4 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với năm 2018. Giá xuất khẩu chè bình quân năm 2019 đạt 1.724,5 USD/tấn, tăng 0,8% so với năm 2018.

Hiện nay, Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Indonesia vẫn là 5 thị trường lớn nhất của chè Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu chè sang Pakistan đạt 48.750 tấn, trị giá 96,4 triệu USD, tăng 29,2% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với năm 2018.

Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên toàn cầu. Theo nguồn worldstopexports, trị giá nhập khẩu chè của Pakistan trong năm 2018 đạt 571,3 triệu USD, chiếm 7,7% tổng trị giá nhập khẩu chè toàn cầu. Như vậy, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỉ trọng thấp so với nhu cầu nhập khẩu của Pakistan, nhưng Bộ Công Thương nhận định vẫn còn cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Bên cạnh đó, xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan năm 2019 đạt 19.050 tấn, trị giá 29,8 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với năm 2018.

Tuy nhiên, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh về lượng, nhưng tăng mạnh về trị giá do giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường này tăng mạnh trong 2019. Giá xuất khẩu tăng được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lý giải chủ yếu là do Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu các loại chè chất lượng cao hơn để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân tại nước này đối với các dòng sản phẩm cao cấp và sản phẩm chè thế hệ mới như chè thảo mộc, chè matcha hay chè hoa quả. Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao và các sản phẩm chè có giá trị gia tăng cao sang thị trường này.

Về chủng loại chè, năm 2019, chè xanh là chủng loại xuất khẩu nhiều nhất, đạt 58.170 tấn, trị giá 117,65 triệu USD, giảm 1,7% về lượng, nhưng tăng 1,1% về trị giá so với năm 2018.

Trong đó, xuất khẩu chè xanh sang thị trường Pakistan đạt 38.300 tấn, trị giá 77,2 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với năm 2018, chiếm tới 65,9% tổng lượng chè xanh xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Philippines…

Trong khi đó, xuất khẩu chè đen năm 2019 đạt 56.700 tấn, trị giá gần 78 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với năm 2018.

Chè đen xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường trong năm 2019 như Nga, Pakstan, Đài Loan, Indonesa, Iraq… Trong đó, chè đen xuất khẩu sang Nga chiếm tới 21,6% tổng lượng xuất khẩu, đạt 12.200 tấn, trị giá 18,08 triệu USD, giảm 9% về lượng và giảm 11,6% về trị giá so với năm 2018.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá chè trung bình toàn cầu trong năm 2019 ước đạt khoảng 2,55 USD/kg, giảm 11% so với năm 2018. Giá chè được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong giai đoạn tới và đạt khoảng 2,6 USD/kg vào năm 2020.

Bảo An
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: