Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2019, xuất khẩu chè đạt 75,2 nghìn tấn, trị giá 134,2 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong 15 ngày đầu tháng 8/2019 đạt 6,3 nghìn tấn, trị giá 12,4 triệu USD, giảm 8,2% về lượng, nhưng tăng 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.972 USD/tấn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2019, xuất khẩu chè đạt 75,2 nghìn tấn, trị giá 134,2 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu chè bình quân đạt 1.783,6 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, các thị trường chính của chè Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 tiếp tục là Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Indonesia, với thị phần của 5 quốc gia này đạt 73,3% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu có sự biến động không đồng nhất giữa các thị trường. Trong khi xuất khẩu sang Pakistan, Đài Loan tăng mạnh thì xuất khẩu sang Nga và Indonesia lại giảm cả về lượng và giá trị, mặc dù vẫn đóng góp không nhỏ vào việc xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2019, chè xuất khẩu sang thị trường Pakistan tăng mạnh cả về lượng và trị giá, mặc dù giá xuất khẩu bình quân giảm; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 10,6 nghìn tấn, trị giá 16,76 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân sang thị trường Đài Loan đạt 1.581,6 USD/tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc, mặc dù lượng xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này các tháng đầu năm 2019 giảm đến 41,3% nhưng giá trị lại tăng tới 45,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7, xuất khẩu đứng thứ 5 toàn cầu, với 124.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè với công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, trên thị trường thế giới, thị trường chè toàn cầu dự báo sẽ đạt 7,58 triệu tấn vào năm 2024, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng tăng và sự thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chè cao cấp, hướng đến sức khỏe cho người tiêu dùng của các nhà sản xuất chè.
Trong nước, thị trường chè nguyên liệu trong nước ổn định. Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giữ mức 200.000 đồng/kg, chè xanh búp khô là 105.000 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, giá chè cành ổn định ở mức 8.500 đồng/kg, chè hạt 7.000 đồng/kg.
Trong thời gian tới, để phát triển ngành chè cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chú ý đến chất lượng sản phẩm.Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm chè, phối trộn với các thứ nước uống khác để tạo nên hương vị đa dạng. Đồng thời, việc sản xuất, chế biến chè phải gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn theo đúng định hướng quy hoạch sản xuất chè an toàn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần giảm các chất gây tác dụng phụ trong chè, để bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới.
Bảo An
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng