Xuất khẩu chè 10 tháng đầu năm 2019 có sự tăng trưởng khả quan về cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu thống kê từ Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu chè tháng 10/2019 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 22 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 107 nghìn tấn và 187 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng và tăng 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.757 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc và Nga tiếp tục là 4 thị trường chính của chè Việt Nam, chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu chè sang các thị trường này lại có sự biến động không đồng nhất. Trong khi xuất khẩu sang Pakistan và Đài Loan tăng cả về lượng và giá trị; xuất khẩu sang Trung Quốc giảm về lượng, tăng về giá trị; thì xuất khẩu sang Nga lại giảm cả về lượng và giá trị.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chè sang Pakistan đạt 31 nghìn tấn, tương đương 62 triệu USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 18,4% về giá trị; xuất khẩu sang Đài Loan đạt 14 nghìn tấn, tương đương 22 triệu USD, tăng 1,4% về lượng và tăng 2,2% về giá trị; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 6 nghìn tấn, tương đương 20 triệu USD, giảm 31,9% về lượng nhưng tăng đến 66,2% về giá trị; xuất khẩu sang Nga đạt 11 nghìn tấn, tương đương 16 triệu USD, giảm 5,2% về lượng và giảm 6,4% về giá trị.
Xuất khẩu chè sang Pakistan và Đài Loan tăng chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu của 2 thị trường này tăng. Trong giai đoạn 2014-2018, cả hai thị trường này đều đang có xu hướng tăng nhanh nhập khẩu chè với tốc độ tăng bình quân lần lượt đạt 14,9%/năm và 6,5%/năm về giá trị. Đặc biệt, Pakistan vẫn là thị trường tiềm năng đối với chè Việt Nam khi mà thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu chè của Pakistan còn rất thấp chỉ khoảng 2,2% trong năm 2018. Trong khi đó, Đài Loan nhập khẩu chè đen chủ yếu từ thị trường Việt Nam, Xri Lan-ca và Ấn Độ, tỷ trọng nhập khẩu từ ba thị trường này chiếm tới 82,9% tổng trị giá nhập khẩu chè đen. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất và tăng mạnh nhất.
Hiện Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu. Diện tích trồng chè hiện nay là 124.000 ha và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè, với công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm.
Tại thị trường trong nước, giá chè nguyên liệu trong tháng 10/2019 vẫn ổn định tại Thái Nguyên và biến động nhẹ tại Lâm Đồng. Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giữ mức 200.000 đ/kg, chè xanh búp khô là 105.000 đ/kg. Tại Lâm Đồng, giá chè cành giữ ổn định mức 8.600 đ/kg, giá chè hạt giảm 200đ/kg so với tháng trước xuống còn 7.000 đ/kg. Trong vài tháng tới, giá chè trong nước có thể sẽ tăng lên nhờ nhu cầu lớn vào dịp Tết cổ truyền sắp tới.
Bảo An
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng