Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 ước đạt 466.000 tấn với giá trị đạt 210 triệu USD.
Ảnh minh họa.
So với cùng kỳ năm ngoái, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 20,8% (tương đương 4,57 triệu tấn) về khối lượng và 18,6% (tương đương 2,02 tỷ USD) về giá trị.
Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam lên mức 5,6 triệu tấn, thay vì con số 5,2 triệu tấn được đưa ra trong tháng 7 vừa qua.
So với mục tiêu đặt ra là xuất khẩu 5,6 triệu tấn trong năm 2017, ngành gạo đã đạt được gần 82%.
Báo cáo chỉ ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 với 38,8% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2017 tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái về khối lượng lên 1,56 triệu tấn, và giá trị xuất khẩu tăng 30,4% lên 700,7 triệu USD.
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 trong 8 tháng đầu năm, chiếm 9,3% thị phần. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2017 tăng gấp 2,15 lần so với cùng kỳ năm 2016 lên 421.770 tấn, với giá trị xuất khẩu cũng tăng gấp 2 lần lên 167,25 triệu USD.
Đứng thứ ba là thị trường Malaysia với 7,8% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2017 tăng 80,9% lên 365.700 tấn về khối lượng, và tăng 61,7% về giá trị lên141,68 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, những thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm là Hồng Kông (-45,3%) và Gana (-29,7%).
Trong nước, nông dân khu vực ĐBSCL đang thu hoạch lúa Thu Đông, giá lúa gạo trên thị trường trong nước tăng nhẹ trong tháng 9 trong bối cảnh thu hoạch lúa Thu Đông diễn ra với thời tiết bất lợi, dịch bệnh phát sinh, chi phí tăng nhưng năng suất lại giảm 30-40% so với vụ năm trước.
Giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL. Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Giá lúa tăng trên thị trường nội địa tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng từ Bangladesh, Philippines trong khi nguồn cung vụ Hè Thu và Thu Đông hạn chế.
Tình hình trồng lúa trong nước
Đối vớilúa mùa, tính đến trung tuần tháng 9, cả nước đã gieo cấy được 1.571,7 ngàn ha lúa mùa, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn diện tích lúa mùa tập trung ở các tỉnh miền Bắc với 1.136,2 ngàn ha diện tích gieo cấy, bằng 99% cùng kỳ, trong đó Đồng bằng sông Hồng đã cơ bản kết thúc gieo cấy, diện tích gieo cấy đạt 543,2 ngàn ha, bằng 99,4% cùng kỳ.
Theo Bộ NN&PTNN, nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do chuyển đổi đất lúa sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng… (3,9 nghìn ha), hoặc chuyển sang trồng cây hàng năm khác (2,8 nghìn ha), cây lâu năm (1,5 nghìn ha) và chuyển sang nuôi trồng thủy sản (1,7 nghìn ha); nhiều diện tích trồng lúa bị bỏ hoang do khó khăn trong khâu tưới tiêu và thiếu lao động (2,4 nghìn ha), do đầu vụ mưa nhiều, gây ngập úng (1,3 nghìn ha).
Ngoài ra, các nguyên nhân khác như chuyển đổi mùa vụ, chuyển sang đất phi lâm nghiệp... (5,6 nghìn ha) cũng khiến diện tích trồng lúa giảm.
Đối với lúa hè thu, tính đến ngày 15/9, diện tích gieo của cả nước ước đạt 2.101,2 ngàn ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam, đạt 1.930,2 nghìn ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, riêng vùng ĐBSCL đạt 1.651,8 nghìn ha, giảm 0,5% so với cùng kỳ.
Hiện các địa phương miền Nam đã thu hoạch đạt gần 1.757,7 nghìn ha, bằng 99,6% cùng kỳ năm trước và chiếm 91% diện tích xuống giống, trong đó vùng ĐBSCL thu hoạch đạt 1.530,6 nghìn ha, bằng 98,6% cùng kỳ và chiếm 93% diện tích đã gieo trồng.
Năng suất ước tính bình quân trên diện tích thu hoạch đến thời điểm này của các tỉnh phía Nam đạt khoảng 54,7 tạ/ha.
Báo cáo chỉ ra, mặc dù thời tiết thuận lợi hơn cùng kỳ nhưng kết quả sản xuất lúa vụ Hè thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không tăng trưởng như kỳ vọng. Vụ Hè thu 2017 không bị nhiễm mặn trực tiếp nhưng thổ nhưỡng tại một số địa phương vẫn chưa đáp ứng được như cầu phát triển của lúa do độ mặn, dư lượng phèn trong đất vẫn cao.
Ngoài ra, diện tích đã xuống giống lúa thu đông tính đến trung tuần tháng 9 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước xuống 629,9 nghìn ha.
Với vụ thu đông năm nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh có thể gây hại trên diện rộng nên để tránh thiệt hại, nhiều tỉnh đã chủ động xả lũ vào ruộng để tăng cường lượng phù sa, nhằm làm cho đất màu mỡ giảm dịch bệnh cho vụ sau.
Bên cạnh đó, dự báo năm nay lũ đầu nguồn tăng cao, nên ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chỉ trồng lúa vào những nơi có đê bao chắc chắn, những nơi không an toàn thì tuyệt đối không gieo trồng. Vì vậy, diện tích gieo trồng vụ lúa Thu Đông 2017 có khả năng giảm so với năm 2016.
Hiện lúa đang phát triển khá tốt, sâu bệnh gây hại không đáng kể. Đến thời điểm báo cáo diện tích lúa đã thu hoạch chiếm khoảng 34% diện tích xuống giống, năng suất toàn vụ ước tăng 1,2 tạ/ha so cùng kỳ năm ngoái lên 51,9 tạ/ha.
Diễn biến sâu bệnh gây hại
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong tháng 9 một số dịch bệnh hại lúa có dấu hiệu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh ở phía Nam, gồm: Bệnh đạo ôn lá hại lúa, bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa, bệnh bạc lá hại lúa và bệnh sâu đục thân hại lúa.
Trong khi một số dịch bệnh như bệnh rầy nâu hại lúa, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn hại lá, bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng một số bệnh như: Rầy nâu, RLT hại lúa, bệnh lùn sọc đen hại lúa, khô vằn hại lúa có dấu hiệu gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Lyly Cao
Theo KTTD, Vietnambiz