Đó là thông tin được ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết tại hội thảo “Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017” được tổ chức ngày 5/10, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Phúc chuyên gia phân tích Tổ chức Forest Trends cho biết: năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 6,8 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỉ USD. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 có thể đạt con số trên 7 tỉ USD.
Hầu hết tăng trưởng thể hiện mạnh mẽ tại những thị trường tiêu thụ truyền thống, những thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cùng quan điểm trên Ông Nguyễn Tôn Quyền phân tích, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2017 đạt 3,57 tỷ USD, tăng 13,6% so với con số 3,14 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016. Trung bình 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt khoảng 700 triệu USD/tháng. Trong khi đó, "mùa xuất khẩu" mặt hàng này là 3 tháng cuối năm. Vì vậy, theo Tổng thư ký Vifores, nếu cứ đà này, mục tiêu đạt 8 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn có thể.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký VIFORES phát biểu tại hội thảo
Bên cạnh mặt hàng gỗ xuất khẩu, theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ), hàng năm Việt Nam nhập khẩu một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn, tương đương với 1,7 - 1,8 tỷ USD về kim ngạch. Giá trị kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu gỗ chiếm trên 90%.
Về nguồn cung nhập khẩu, Trung Quốc là nước cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất cho Việt Nam, tiếp theo là Châu Phi, Châu Âu và Hoa Kỳ...
Gỗ nguyên liệu, bao gồm gỗ tròn và xẻ, là nhóm mặt hàng chủ đạo trong cơ cấu mặt hàng gỗ nhập khẩu vào Việt Nam. Gỗ từ nguồn này có vai trò to lớn, trực tiếp góp phần giúp ngành chế biến gỗ Việt Nam tiếp tục mở rộng và tăng trưởng. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, với kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD, tương đương khoảng 20-30% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn và xẻ của Việt Nam lên tới gần 760 triệu USD.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng, việc tăng cường cơ hội, giảm thiểu rủi ro là chiến lược phát triển lâu dài cho mỗi doanh nghiệp và cả ngành gỗ của Việt Nam trong tương lai. Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết FLEGT/VPA đã thể hiện cam kết trong việc thực hiện chiến lược này cấp quốc gia, với các cam kết sẽ được chuyển tải thành các cơ chế chính sách cụ thể được áp dụng tại mỗi doanh nghiệp. Loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu ‘sạch’ là nhu cầu cấp bách. Điều này không những đáp ứng các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai. Để làm được điều này cần có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương.
Hoàng Nhung