Theo thống kê, ngành nông nghiệp đã chốt thu 55 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản tính đến giữa 10 tháng năm 2022, trong đó nhiều nhóm hàng lập kỷ lục.
Gần một tháng kể từ ngày xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng 100 tấn đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết giữa hai quốc gia hồi tháng 7 và những chuyến xe chở đầy ắp loại quả đặc sản này vẫn tiếp tục nối đuôi nhau lên đường đi sang thị trường 1,5 tỷ dân.
Đến thời điểm hiện tại, theo ước tính của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) có khoảng 10.000 tấn sầu riêng đã được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và đã đánh dấu bước đầu thành công khi thâm nhập vào thị trường sầu riêng lớn thế giới này. Điều đáng nói là sầu riêng Việt cạnh tranh được cả về giá lẫn về lượng với sầu Thái Lan.
Xuất khẩu sầu riêng tạo được nhiều bước tiến
Cùng chung niềm vui, gạo Việt Nam mới đây cũng đã ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ thị trường Việt Nam trở thành bữa trưa đặc biệt ở văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi đó tại trời u, thương hiệu Cơm Việt Nam đã được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị tại Pháp.
Để có được sự khẳng định về mặt chất lượng ở những thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới, trong những ngày gần đây, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm với giá bán tăng vọt. Qua đó cho thấy, thay vì chỉ được bày bán ở những siêu thị và cửa hàng nhỏ lẻ gốc Á tại châu Âu, gạo Việt đã chính thức đặt chân vào những hệ thống đặt chân vào hệ thống phân phối lớn ở các thị trường cao cấp.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 7 sản phẩm và nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Hầu hết các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số.
Ảnh minh hoạ
Trong 9 tháng qua, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ, thiết lập kỷ lục mới như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6%; gạo trên 2,6 tỷ USD, tăng 9,3%; sắn và sản phẩm sắn 1 tỷ USD, tăng 21%; cá tra gần chạm mốc 2 tỷ USD, tăng 83,3% - kỷ lục lịch sử; tôm gần 3,5 tỷ USD, tăng 24,8%, gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD, tăng 11,4%... Đặc biệt, xuất khẩu phân bón các loại đạt 900 triệu USD, tăng đột biến 170,4% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm ghi nhận giá xuất khẩu bình quân tăng vọt. Cụ thể, phân bón các loại giá 635 USD/tấn, tăng 82,3%; hạt tiêu 4.403 USD/tấn, cà phê giá 2.280 USD/tấn với mức tăng lần lượt là 30,4% và 21,7%...
Nhận định về thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu ngành hàng này ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường chính. Từ tháng 9, nguồn cung nguyên liệu không chịu biến động lớn do tác động tích cực từ giá xăng dầu giảm. Nhu cầu tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho…
Dù còn nhiều thách thức nhưng ông Hòe khẳng định xuất khẩu thuỷ sản sẽ thu về 10 tỷ USD - mức kỷ lục. Thậm chí, chỉ hết tháng 11 có thể đạt được mốc này. Riêng xuất khẩu cá tra dự báo sẽ thu về 2,5-2,6 tỷ USD.
Đối với lĩnh vực gạo, động thái Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% với nhiều loại lúa gạo khiến thị trường gạo thế giới biến động mạnh, trong đó có Việt Nam. Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 30 USD/tấn, còn gạo 25% tấm tăng 25 USD/tấn. Đáng chú ý, do thiếu hụt nguồn cung từ phía Ấn Độ nên nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc chuyển hướng tìm nguồn cung gạo tấm của Việt Nam để phục vụ nhu cầu từ nay đến Tết.
Theo nhiều chuyên gia, ông sản Việt Nam xuất khẩu đang có nhiều lợi thế. Giá USD liên tục tăng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được trợ lực bởi hàng hóa của Việt Nam sẽ rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhu cầu lương thực, thực phẩm tại các quốc gia phương Tây luôn tăng cao vào 3 tháng cuối năm. Thực tế, thị trường châu Âu và Mỹ vào mùa cao điểm lễ hội đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng "nóng" hồi cuối năm 2021.
Hoài Anh/ KTDU