Sự kiện hot
12 tháng trước

Xuất khẩu rau quả Việt Nam hứa hẹn bứt phá trong năm 2024

Năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt 5,6 tỷ USD, tăng 67% so với năm 2022. Bước sang năm 2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục ghi dấu ấn ấn tượng, chưa tới 1 tháng đầu năm đã đạt gần nửa triệu USD, dự báo cả năm sẽ chinh phục kỷ lục mới đạt 6,5 tỷ USD.

Sầu riêng vẫn là mặt hàng "át chủ bài" trong năm nay, đặc biệt, nhờ Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chỉ riêng mặt hàng này sẽ đưa về khoảng 3,5 tỉ USD, gần bằng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả hàng năm của thời gian trước. Bên cạnh đó, Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu rau quả tăng mạnh.

Ngoài thế mạnh sầu riêng thì đang vào cao điểm xuất khẩu chuối và thanh long vào thị trường Trung Quốc. Chuối hiện đang vào cao điểm xuất khẩu. Theo ông Nguyên, cuối năm 2023 mùa đông đến trễ nên xuất khẩu chuối có phần chậm chạp do sản lượng chuối nội địa của Trung Quốc dồi dào. Tuy nhiên, hiện tại các đợt lạnh liên tục khiến nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc hạn chế. Nhiệt độ xuống dưới 10 0C, trái chuối trên cây bị bầm đen không bán được. Do đó, thị trường Trung Quốc đang khan hàng, xuất khẩu chuối đang thuận lợi.

Thêm một "điểm sáng" xuất khẩu rau quả là từ cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.

Bên cạnh đó, dừa tươi, thanh long, mít, xoài, chanh leo, bưởi...cũng là những mặt hàng chủ lực, trong đó, riêng xuất khẩu dừa trái hứa hẹn sẽ mang về 500-600 triệu USD trong năm nay nếu Nghị định thư được ký kết.

Với thanh long cũng đang phát triển tốt. Một mặt vì Trung Quốc đang vào mùa đông, nguồn cung nội địa không có. Trong khi thị trường đang vào cao điểm mùa tiêu thụ. Người Trung Quốc rất thích sử dụng quả thanh long làm vật phẩm thờ cúng trong dịp lễ tết. Mùa tiêu thụ thanh long của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc thường kéo dài từ đầu năm đến cuối tháng 5 hàng năm. 

uy nhiên, cũng cần lưu ý rằng dù tăng trưởng xuất khẩu rau quả đang ấn tượng, nhưng vẫn còn những yếu tố rủi ro. Tình hình kinh tế toàn cầu vẫn đang ảnh hưởng từ lạm phát và tăng trưởng chậm, khiến nhu cầu mua hàng hóa còn chậm chạp. Thêm vào đó, căng thẳng ở Biển Đỏ đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là đối với các tuyến vận tải biển quan trọng của Việt Nam. Điều này đã làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là đối với các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Canada.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ đạt được những thành tựu mới trong năm 2024. Đây là một tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bảo An 

Theo KTDU 

Từ khóa: