Sự kiện hot
3 năm trước

Xuất nhập khẩu Việt Nam: Thặng dư thương mại là xu hướng khó đảo ngược

Số liệu phân tích của BVSC cho biết, trong quý I/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 153,96 tỷ USD, tăng 25,16% so với cùng kỳ năm 2020. Cán cân thương mại hàng hoá quý I ước tính xuất siêu 2,83 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ do tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu lớn hơn so với xuất khẩu, lần lượt ở mức 26,29% và 22,01% từ đầu năm đến nay.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu và cán cân thương mại (Nguồn: BVSC)

Tăng trưởng xuất nhập khẩu và cán cân thương mại. (Nguồn: BVSC)

Báo cáo chiến lược vĩ mô quý I/2021 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, sự hồi phục mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu tiếp tục đến từ các mặt hàng chủ lực, bao gồm xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (77,19%) và máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (70,34%). Đặc biệt, xuất khẩu cao su đạt mức tăng mạnh 116,49% YoY, do mức nền thấp trong cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng điện thoại, máy móc thiết bị, điện tử và linh kiện tiếp tục chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn, 12-18% tổng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu các mặt hàng điện tử tiếp tục tăng. (Nguồn: BVSC)

Xuất khẩu các mặt hàng điện tử tiếp tục tăng. (Nguồn: BVSC)

Cũng theo BVSC, nhóm hàng nguyên liệu sản xuất cũng có mức tăng giá trị xuất khẩu tương đối tốt, ở mức 30-65% YoY, như sản phẩm hoá chất, sản phẩm từ chất dẻo, xơ, sợi dệt các loại, sắt thép.

Ngược lại, các nhóm hàng dệt may, túi xách và thuỷ sản – các nhóm hàng được kỳ vọng tăng mạnh nhờ các hiệp định thương mại như EVFTA và CPTPP lại có mức tăng tương đối thấp và thậm chỉ giảm, lần lượt ở mức 1,12%; âm 9,92% và 3,27%.

Cùng chung với diễn biến giảm của mảng khai thác dầu khí, xuất khẩu dầu thô và xăng dầu cũng có mức giảm mạnh nhất trong giá trị xuất khẩu các mặt hàng quý I/2021, ở mức 21,64% và 50%.

Xuất khẩu công nghiệp chế biến gia tăng. (Nguồn: BVSC)

Xuất khẩu công nghiệp chế biến gia tăng. (Nguồn: BVSC)

BVSC đưa ra phân tích: Thứ nhất là xét về khu vực kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm trên ¾ tổng tỷ trọng xuất khẩu, với mức tăng trưởng 28,48% trong quý I, so với 4,94% của khu vực kinh tế trong nước. Điều này tiếp tục cho thấy sự phụ thuộc của hoạt động xuất khẩu vào các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong bối cảnh các mặt hàng điện tử trở thành hàng hoá xuất khẩu chủ lực. Tổng vốn FDI đăng ký tính tới hết quý 1 tăng 41,29% YoY, mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục hưởng lợi trong việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp.

Thứ hai là về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 21,2 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu có mức tăng mạnh nhất, với mức tăng 34,3%. Ngược lại, giá trị xuất khẩu vào Nhật Bản giảm 1,5%.

Tăng trưởng xuất khẩu các thị trường chính. (Nguồn: BVSC)

Tăng trưởng xuất khẩu các thị trường chính. (Nguồn: BVSC)

BVSC nhận định, trong các năm trở lại đây, cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu nghiêng về phía xuất khẩu, với thặng dư thương mại tương đối lớn (19,1 tỷ USD trong năm 2020, cao nhất trong 5 năm xuất siêu liên tiếp kể từ năm 2016). Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới trên 200% GDP, có thể thấy, Việt Nam ngày càng là nền kinh tế mở. Tuy nhiên, khác Singapore hay Hongkong là nơi trung chuyển và cung cấp dịch vụ thương mai, dịch vụ trung gian, Việt Nam nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu dựa vào các doanh nghiệp FDI, do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục được định hướng theo để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu này.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: