Sự kiện hot
5 năm trước

Xung quanh “Đề xuất giáo viên THPT phải có trình độ thạc sĩ”: Trình độ nào là phù hợp?

Trước ý kiến đề xuất trình độ giáo viên THPT phải là thạc sĩ (tại hội thảo khoa học cấp quốc gia góp ý dự thảo luật Giáo dục - sửa đổi, diễn ra sáng 28.12 tại TP.HCM), nhiều giáo viên bậc học này lại có ý kiến ngược lại.

Một tiết học tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM)

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), thẳng thắn nói rằng việc chuẩn hoá trình độ thạc sĩ của giáo viên THPT là chưa cần thiết. Theo đó, kiến thức THPT là kiến thức nền, là kiến thức cơ bản chứ không phải là kiến thức chuyên sâu. Trong khi đó việc đào tạo sau ĐH là chú trọng vào kiến thức chuyên ngành nâng cao. Và nếu áp dụng vào bậc phổ thông sẽ không có hiệu quả cao, dễ dẫn đến lãng phí, không thiết thực.

Ông Bình còn chỉ ra rằng việc đào tạo thạc sĩ hiện nay còn chạy theo số lượng và có nhiều vấn đề về chất lượng... Đồng thời, nếu áp dụng thì cần một lộ trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên đang công tác nhằm chuẩn hoá yêu cầu sẽ dẫn đến trào lưu bằng cấp thạc sĩ một cách không cần thiết.

Còn bà Trương Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Q.1), phân tích rằng: giá trị thực tế của giáo dục phổ thông là giáo viên đang có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng những kỹ năng, phương pháp tổ chức tiết học hiệu quả, cách thức tổ chức các chuyên đề giảng dạy đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung vào phát triển tư duy, năng lực bản thân, có hứng thú học tập và đam mê tìm hiểu kiến thức…

Xuất phát là giáo viên hoá học, bà Đỗ Thị Bích Duyên, Nguyên hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho hay bản thân được đào tạo những kiến thức về hoá học học ở ĐH nhưng khi áp dụng vào việc dạy THPT không phù hợp mà cần một thời gian học hỏi để có kinh nghiệm giảng dạy.    

Bà Bích Duyên nhấn mạnh với giáo dục phổ thông quan trọng là phương pháp giảng dạy khơi dậy được tiềm năng của học sinh, có kỹ năng và tâm lý sư phạm để dạy và cảm thụ đứa trẻ về kiến thức và tâm hồn cùng qua trình giảng dạy có kinh nghiệm trong xử lý mọi tình huống.

Từ đó bà Duyên cho rằng, không nên “hớt” phần ngọn, chăm chăm vào trình độ giáo viên mà phải nhìn nhận, đánh giá từ chương trình, biết học sinh cần gì, học thế nào là phù hợp để đạo tạo chuyên môn cho giáo viên.

Còn một giáo viên của Trường THPT Đào Sơn Tây (Q.Thủ Đức), cho rằng hiện tại trong trường THPT đang phấn đấu 20% giáo viên đạt trình độ trình thạc sĩ và không thể nói 80% giáo viên trình độ ĐH còn lại là dạy không tốt. Việc giáo viên cũng như nhân lực ngành nghề khác, nâng cao trình độ chuyên môn là cần thiết nhưng phải thiết thực và mục đích phải được bắt đầu từ học trò mới là quan trọng và có ý nghĩa hơn.

Theo Thanh Niên

Từ khóa: