Bộ TT&TT sẽ áp dụng chính sách bình ổn giá đối với dịch vụ cho thuê kênh trong nước với yêu cầu VNPT, Viettel sẽ duy trì mức giá thuê kênh cũ cho đến khi Bộ TT&TT tiến hành kiểm tra xong về vấn đề tăng giá của hai doanh nghiệp này trong thời gian gần đây.
Bộ TT&TT sẽ áp dụng chính sách bình ổn giá đối với dịch vụ cho thuê kênh trong nước với yêu cầu VNPT, Viettel sẽ duy trì mức giá thuê kênh cũ cho đến khi Bộ TT&TT tiến hành kiểm tra xong về vấn đề tăng giá của hai doanh nghiệp này trong thời gian gần đây.
Bộ TT&TT sẽ yêu cầu VNPT tạm thời dừng việc tăng cước thuê kênh trong nước
. Ảnh: TK
Mới đây, Hanoi Telecom đã gửi đơn lên bộ TT&TT phản ánh về vấn đề VNPT và Viettel tăng cước thuê kênh quá cao so với mức cước cũ. Đại diện của Hanoi Telecom cho biết, trước đây EVN Telecom là nhà cung cấp kênh truyền dẫn lớn với hơn 40.000 km cáp quang trên toàn quốc, vì thế, sau khi EVN Telecom sáp nhập với Viettel, VNPT và Viettel trở thành 2 nhà cung cấp kênh truyền dẫn lớn nhất, chiếm thị phần khống chế trên thị trường.
"Ngày 13/3/2012, chúng tôi nhận được công văn số 594/VTN-KD của Công ty Viễn thông liên tỉnh (thuộc Tập đoàn VNPT) thông báo điều chỉnh mức cước thuê kênh, theo đó giá thuê kênh tăng lên 276% so với giá cũ. Sau nhiều lần đàm phán, VTN đồng ý giảm giá, tuy nhiên giá thuê mới vẫn cao gấp 2,19 lần so với giá thuê trước đó của chúng tôi. Tiếp đó, ngày 26/4/2012, chúng tôi nhận được công văn số 2131/VTT-Viettel từ Công ty Viễn thông Viettel, thông báo thay đổi giá thuê trong hợp đồng. Theo thông báo này, giá thuê kênh cũng tăng hơn 2 lần (207%) so với giá thuê chúng tôi đang ký với Viettel và tăng 134% đối với hợp đồng chúng tôi ký qua nhà thầu", đại diện Hanoi Telecom nói.
Trong công văn của Hanoi Telecom cho rằng, việc tăng giá kênh truyền dẫn đồng loạt của 2 đơn vị cung cấp kênh thuê riêng lớn nhất ngay đã cho thấy có hiện tượng độc quyền, chèn ép, áp đặt giá đối với dịch vụ kênh thuê riêng áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ ngay sau khi hoàn thành việc chuyển giao của EVN Telecom về Viettel.
Không chỉ có Hanoi Telecom, các doanh nghiệp viễn thông nhỏ cũng cho biết họ đã nhận được văn bản tăng cước thuê kênh của cả VNPT và Viettel.
Trong lần trả lời Báo Bưu điện Việt Nam tuần trước, ông Lương Mạnh Hoàng, Giám đốc Công ty VTN (đơn vị thành viên của VNPT) khẳng định không có chuyện VNPT và Viettel "đi đêm" với nhau. Việc nâng giá cước gần đây chẳng qua là sự tình cờ của VNPT và Viettel. Sở dĩ VTN phải tăng cước vì công ty này cần tính toán đến hiệu quả kinh doanh sau khi VNPT yêu cầu các đơn vị hạch toán riêng. Vì vậy, VTN phải nâng giá cước thuê kênh để đảm bảo kinh doanh có lãi. Ông Vũ Tiến Dương, Phó trưởng Ban Kinh doanh của VNPT cho biết là với mức cước thuê kênh mới của VNPT vẫn thấp hơn mức cước mà VNPT đăng ký với Bộ TT&TT.
Trong khi đó, Viettel Telecom cho biết mức giá cước thuê kênh mà EVN Telecom đưa ra quá thấp đến mức không có lãi. Khi tiếp nhận EVN Telecom thì Viettel buộc phải áp dụng mức cước hiện hành của Viettel chứ không thể áp dụng mức cước mà EVN Telecom đưa ra trước đó.
Trong buổi làm việc mới đây với Cục Viễn thông để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo Cục Viễn thông sẽ phải làm việc với tất cả các doanh nghiệp để xác định chính xác xem nội dung phản ánh này như thế nào. Tuy nhiên, trong lúc Bộ TT&TT tiến hành kiểm tra về cước thuê kênh của VNPT, Viettel thì trước mắt sẽ áp dụng chính sách bình ổn giá theo Luật Viễn thông. Theo đó, VNPT và Viettel sẽ phải áp dụng mức cước thuê kênh cũ đối với các doanh nghiệp viễn thông cho đến khi Bộ TT&TT có ý kiến chính thức về mức giá này có hợp lý hay không.
Vấn đề cốt lõi ảnh hưởng tới quyết định tới đây của Bộ TT&TT là sẽ phải tiến hành kiểm tra giá thành dịch vụ cho thuê kênh của các doanh nghiệp như VNPT và Viettel. Một trong những nguyên tắc để xác định giá cước là phải được xây dựng trên giá thành. Tuy nhiên, vấn đề xác định được giá thành của dịch vụ thuê kênh trong nước nói riêng và các dịch vụ viễn thông khác nói chung là điều vô cùng nan giải.
Tại Điều 56 của Luật Viễn thông có quy định, Bộ TT&TT sẽ áp dụng hình thức kiểm soát, đình chỉ áp dụng giá cước viễn thông khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông khác và Nhà nước.
Điều khoản này cũng nêu rõ doanh nghiệp viễn thông không được áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước.
|
Theo Vietnamnet, ICTnews