Sự kiện hot
11 năm trước

1.000 bài thơ vượt lên số phận

Dantin - Chỉ với một cánh tay teo tóp và một nghị lực phi thường, chàng trai – “nhà thơ làng” Nguyễn Hữu Thịnh (SN 1981, thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã trở thành tác giả của hơn 1.000 bài thơ đa dạng về thể loại.

Dantin - Chỉ với một cánh tay teo tóp và một nghị lực phi thường, chàng trai – “nhà thơ làng” Nguyễn Hữu Thịnh (SN 1981, thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã trở thành tác giả của hơn 1.000 bài thơ đa dạng về thể loại.

Căn nhà cấp 4 yên ả mái ngói rêu xanh. Trong ấy, một chàng trai chỉ có một cánh tay gầy guộc tong teo vừa cố sức làm điểm trụ cho cơ thể vừa đang chăm chú gõ những câu chữ trên bàn phím máy tính.

Nhìn thân hình Thịnh co quắp, không ai có thể ngờ rằng tuổi thơ của Thịnh cũng đã từng êm đẹp như bao người khác. Nhưng chỉ sau một hôm thôi, mọi thứ đã khác. Thịnh kể: “Đó là năm tôi học lớp một. Khi đang cùng bạn bè chơi đùa bỗng thấy chân tay mình bủn rủn như không còn chút sức lực nào, mắt tôi hoa lên rồi cả người tôi gục xuống. Tỉnh dậy tôi đã thấy mình nằm trong bệnh viện, chân tay không cử động được. Dần dần, tôi thấy chân tay mình càng teo tóp đi”.

Thương đứa con trai út tội nghiệp nên cứ nghe ai mách ở đâu có thuốc hay thày giỏi là ông Nguyễn Xuân Luật, cha của Thịnh lại tìm đến nhưng mọi cố gắng chữa trị đều không đem lại kết quả. Từ ngày bị bệnh không đi lại được, phải thôi học, mỗi sáng sớm thấy các bạn í ới rủ nhau đi học, Thịnh lại cố vùng dậy nhưng sức yếu và những cơn đau nhức khiến Thịnh gục xuống .

“ Nhưng rồi tôi nghĩ mình không được nản chí vì tôi hiểu rằng cha mẹ tôi đã khổ vì tôi nhiều rồi, mình phải gắng lên mà sống để cha mẹ bớt khổ”. Hành trình gian nan của Thịnh bắt đầu. Để đọc được sách, Thịnh như trẻ lên ba, mỗi ngày tập đọc vài từ và chỉ sau một thời gian ngắn, với cố gắng Thịnh cũng đọc được sách và nói lại cho mọi người hiểu.

Nguyễn Hữu Thịnh đang miệt mài làm thơ.

Đọc được đã khó, việc viết chữ đối với Thịnh còn khó hơn nhiều bởi đôi tay dị dạng, mỗi lần cầm bút lại run run rồi bút rơi lúc nào anh cũng không hay biết. Chiếc lưng gù với tư thế ngồi gập hai đầu gối khiến việc cầm bút càng trở lên khó nhọc, sau mỗi giờ đánh vật như thế các ngón tay của Thịnh mỏi nhừ như không còn cảm giác. Nhưng với một quyết tâm sắt đá không chịu bỏ cuộc, một tháng rồi hai tháng trôi đi, dưới bàn tay cầm bút của Thịnh, những nét chữ cũng dần dần hiện lên trong niềm vui vỡ òa của Thịnh và cả gia đình.

Biết đọc, biết viết rồi, Thịnh tìm đến những quyển sách những vần thơ để bầu bạn. “Tôi nhận ra rằng những vần thơ giúp mình thấy thật nhiều điều thú vị, những khát khao sống, khát khao dâng hiến cho cuộc đời, những vần thơ ấy cũng đã diễn tả đúng những gì mà mình đang cố gắng vươn tới”, Thịnh tâm sự. Tố chất thơ văn có sẵn trong con người Thịnh cũng được phát ra một cách hết sức tự nhiên và tình cờ. “ Nằm trên giường mãi cũng chán, một hôm tự dưng trong lòng như có điều gì thúc giục, tôi bèn lấy giấy bút ra gửi nỗi lòng của mình vào đó rồi thành thơ lúc nào không hay”, Thịnh kể.

Ban đầu Thịnh làm thơ chỉ để tự mình đọc và coi đó như cuốn nhật ký của riêng mình. Bài thơ đầu tiên Thịnh viết khi làng mở hội đầu Xuân. Thịnh nhờ mẹ mang đến Ban tổ chức lễ hội để phát trên loa. Mẹ Thịnh mừng đến phát khóc khi bài thơ của đứa con trai tật nguyền của bà được mọi người hân hoan đón nhận: “Nằm sâu vắt vẻo một vùng quê/ Vẫn nét dịu êm mỗi bước về/ Đồng nội xõa hương mùa lúa mới/Vải vườn thắp rộ ngọt trăng thề”.

Tháng 9/ 2009, Nguyễn Hữu Thịnh xuất bản tập thơ “Thương lắm mai sau”. Tháng 9/2010 webite thuhoiquan.net ra đời dưới sự quản lý của Thịnh và một số bạn yêu thơ đã thu hút hơn 500 thành viên . Ngày 15/ 1/2011, Thịnh vinh dự là một trong những đại diện thơ trẻ tham gia ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. “Hiện tại, mình có tới hơn 1.000 bài thơ đủ thể loại, mình vẫn sẽ tiếp tục làm thơ dù khó khăn đến đâu”, Thịnh quả quyết rồi ngâm nga: “ Chiều quê đông gót vội vàng/ Ghé trông hàng xóm dáng ngoan chưa về”.

Xuân Nhuận

Từ khóa: