Chỉ còn chưa đến chục ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, thị trường đào, quất cảnh đã sôi nổi, nhộn nhịp. Thậm chí, số tiền “chuyển nhượng” quyền sử dụng một cây đào trong vài ngày Tết lên tới ...110 triệu.
Chỉ còn chưa đến chục ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, thị trường đào, quất cảnh đã sôi nổi, nhộn nhịp. Thậm chí, số tiền “chuyển nhượng” quyền sử dụng một cây đào trong vài ngày Tết lên tới ...110 triệu.
Hàng “đắt” lên ngôi
Dạo qua các tại vườn ở Nhật Tân, Quảng An, Nghi Tàm… đâu đâu cũng thấy cảnh người mua, người ngắm, hy vọng chọn được những gốc đào, gốc quất ưng ý.
Tại vườn Dần Hải, hàng chục gốc đào, quất được khách mua, thuê. Nhân viên vườn đã đánh sẵn nhiều cây, chờ khách đến chở về. Giá bán, thuê một gốc đào của vườn dao động từ một triệu đến 110 triệu; một cây quất giá từ một triệu đến vài chục triệu.
Anh Hải - chủ cửa hàng cho biết, hàng trăm gốc đào hàng chục triệu đồng được khách mang về từ vài ngày trước, cá biệt, có cây được khách thuê với giá 110 triệu. “Hầu hết các gốc đào tiền triệu đều được đặt hết từ trước Tết rồi. Giờ người ta chỉ đến đánh về thôi."
Anh Hải cũng cho biết thêm, trong vườn của anh có 600 gốc đào nhưng giờ chỉ còn khoảng 40 gốc chưa có người mua: “Những cây đào to khách không mua mà chỉ thuê, sau Tết thì lại chở đến nhờ vườn chăm sóc. Chỉ những cây nhỏ mới bán đứt thôi”.
Giá quất năm nay trung bình từ vài trăm đến hàng chục triệu một gốc.
Anh Ngọc Hưng, một chủ vườn quất tại Quảng An cho biết, năm nay hầu hết các vườn quất đều “mất” mùa, quả không to, đẹp. Tuy nhiên, nhà anh có hơn 1.000 gốc thì 90% đã được đặt tiền mua trước.
“Giá những cây quất đẹp giá dao động từ 10-13 triệu; giá những cây quất bình dân thì vài trăm đến vài triệu. Với đà này chỉ 25-26 là quất nhà mình hết hàng”- anh Hưng cho biết.
Tại chợ hoa Quảng Bá sáng nay những chậu hoa địa lan “khủng” cũng được khách hàng ghé thăm. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng hoa Mạnh Thắng cho biết: “Ngày cửa hàng bán cả hàng hai trăm chậu hoa. Giá chậu địa lan đắt cũng lên tới 25 triệu đồng”.
Hoa “bình dân” vẫn ế ẩm
Bán hoa được vài năm ở chợ Quảng Bá nhưng với anh Hà Nguyễn Mạnh Linh thì chưa năm nào thị trường hoa tết lại ế ẩm như năm nay. Từ hoa ly, hoa phăng, hoa salem, hoa hồng, cành địa lan, ... đến thời điểm này giá chỉ bằng ngày thường nhưng chưa có người mua.
Anh Linh cho biết, hoa anh thường nhập ở Đà Lạt, giá năm nay nhập không đắt hơn nhưng so với năm ngoái, lượng bán ra chưa bằng một nửa: “Cả một bó hoa phăng giá chỉ từ 40-60 nghìn đồng, 20-25 nghìn/cành ly, 25 nghìn/chục bông hoa hồng nhưng có ai hỏi mua mấy đâu”.
Hoa lan tại chợ hoa Quảng Bá.
“Đi chợ năm nay thì chết đói, 20 Tết năm ngoái đã tấp nập người mua, năm nay tôi còn không dám nhập hàng về, vì chẳng bán được. Có lẽ, năm nay mọi người được thưởng Tết ít và muộn nên không có mấy người đi mua”- anh Linh than thở.
Cùng chung tâm trạng với anh Linh, anh Thắng ở Mê Linh- Hà Nội buồn rầu: “Ba cây hoa ly chỉ bán với giá 40 nghìn đồng, rẻ hơn cả ngày thường. Đến 27-28 Tết làm gì còn giá này, ít ra phải tăng lên gấp đôi, gấp ba là ít”.
Anh Thắng cũng cho biết, nhà anh có 5.000 gốc hoa ly, nếu hoa cứ nở từ từ và cắt bán từ giờ đến Tết thì sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng. Bốn sào hoa cúc anh hy vọng mang về thêm vài chục triệu đồng nữa.
“Năm nay giá hoa vẫn thế, không tăng nhiều trong khi đầu vào cao hơn năm ngoái nên tiền lãi cũng chẳng bao nhiêu. Cả nhà trông chờ vào vài sào hoa nhưng phải đợi đến 30 Tết mới biết vì còn phụ thuộc vào thời tiết”- Anh Thắng cho biết thêm.
Bà B.T.L, chủ của ba vườn đào ở Nhật Tân (Hà Nội) cho biết, năm nay đào đến thời điểm này vẫn rất ít người mua: “Giờ mới túc tắc bán được vài chục cành. Lúc này giá còn mềm nhưng dân tình chưa có tiền đi mua sắm thì phải”.
Bà L. cho biết thêm, năm ngoái một cành đào đẹp giá 400-500 nghìn là bình thường nhưng giờ khách mới chỉ hỏi rồi không mua: “Năm nay đào đẹp hơn năm ngoái, đào cành thì ít, đào thế thì nhiều. Nếu khách không mua lúc này thì có thể gần Tết giá đào cành sẽ cao”.
Theo Tien phong