Hai công ty chỉ hoạt động 8 tháng rồi giải thể đã bán hơn 99,94 triệu cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank cho 4 cá nhân, giá trị ước tính thu về khoảng 6.500 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng đã chuyển nhượng 50 triệu cổ phiếu VPB sang cho 2 cá nhân là bà Đỗ Thị Mai và bà Bùi Thị Bích Hạnh. Trong đó bà Đỗ Thị Mai nhận 47.549.265 cổ phiếu, bà Bùi Bích Hạnh nhận 2,45 triệu cổ phiếu.
Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên cũng đã chuyển nhượng 49.945.946 cổ phiếu sang cho 2 cá nhân là bà Trần Thị Hương và bà Đặng Thị Thanh Tâm, trong đó bà Trần Thị Hương nhận về 23.199.527 cổ phiếu, bà Tâm nhận 26,74 triệu cổ phần.
Ngày có hiệu lực chuyển quyền sở hữu là 26/3/2018.
STT
|
Bên chuyển quyền sở hữu
|
Bên nhận chuyển quyền sở hữu
|
Số lượng cổ phiếu VPB chuyển nhượng
|
1
|
Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng
|
Đỗ Thị Mai
|
47.549.265
|
2
|
Bùi Bích Hạnh
|
2.450.735
|
3
|
Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên
|
Trần Thị Hương
|
23.199.527
|
4
|
Đặng Thị Thanh Tâm
|
26.746.419
|
|
Tổng cộng
|
99.945946
|
Theo tìm hiểu, được biết Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên có địa chỉ ở phòng 1 tầng 8, tòa nhà Licogi 13, số 164 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Công ty này chỉ mới ra đời và được cấp mã số thuế vào ngày 21/7/2017. Song chỉ nửa năm sau, công ty này đã tạm ngừng hoạt động, đóng mã số thuế và có quyết định giải thể vào ngày 2/3/2018. Chủ sở hữu là ông Phạm Huy Trung Hiếu.
Trong tình cảnh tương tự, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng cũng chỉ mới được thành lập ngày 20/7/2017, đặt trụ sở ngay bên cạnh công ty Lưu Khuyên tại phòng 2, tầng 8, tòa nhà Licogi 13, số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Người đại diện pháp luật công ty là bà Đỗ Thị Mai. Công ty này hiện cũng đã ngừng hoạt động, giải thể và chuyển cổ phần lại cho các thành viên góp vốn. Bà Đỗ Thị Mai đã mua lại 47,54 triệu cổ phiếu VPB từ công ty “hàng xóm” kế bên.
Hai công ty này được thành lập chớp nhoáng trước thời điểm cổ phiếu VPB niêm yết vào ngày 17/8/2017 và bất ngờ ngừng hoạt động, giải thể đầu tháng 3/2018. Tổng số cổ phần 2 công ty này sở hữu là gần 100 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 6,67% vốn điều lệ ngân hàng VPBank. Tuy nhiên, do mỗi công ty chỉ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ ngân hàng nên các giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần hàng chục triệu đơn vị không phải công bố thông tin công khai.
Trên sàn chứng khoán, sau hàng loạt thông tin tích cực về kết quả kinh doanh năm 2017, giá cổ phiếu VPB đã tăng rất mạnh tới 67% so với ngày đầu lên sàn. Đóng cửa phiên hôm nay 28/3, VPB giao dịch ở mức giá 65.000 đồng/CP. Với thị giá này, 2 công ty nêu trên đã “đút túi” khoảng 6.500 tỷ đồng sau thương vụ sang tay “chớp nhoáng” gần 100 triệu cổ phiếu VPB.
"Với thương vụ mua lại 100 triệu cổ phiếu VPB, 4 cá nhân nêu trên cũng đang sở hữu khối tài sản chứng khoán nghìn tỷ. Trong đó, bà Đỗ Thị Mai mua lại 47,54 triệu cổ phiếu VPB với giá trị ước tính hiện tại 3.090 tỷ đồng, bà Đặng Thị Thanh Tâm đã mua 26,74 triệu cổ phần VPB với giá trị khoảng 1.738 tỷ đồng… Liệu 4 cá nhân tham gia thương vụ “gom” 100 triệu cổ phiếu VPB lấy nguồn tiền ở đâu để mua cổ phần?
Hiện, chưa rõ hai công ty Quang Đăng và Lưu Khuyên cũng như 4 cá nhân vừa nhận chuyển nhượng lại 100 triệu cổ phiếu VPB đã thu xếp nguồn tiền nghìn tỷ đồng ở đâu? Bởi cả hai pháp nhân đã gom lượng lớn cổ phiếu VPB chỉ vừa mới được thành lập, hoạt động chớp nhoáng trong vài tháng đã vội vã ngừng hoạt động, giải thể không rõ nguyên nhân.
Điều này đặt ra nghi vấn về tình hình “sức khoẻ” tài chính của hai công ty Quang Đăng và Lưu Khuyên, liệu có nguồn tiền nào và có hợp pháp hay không, đã được rót vào đây để gom cổ phiếu VPB?
Theo Thương gia online