Sự kiện hot
12 năm trước

23 năm tù cho vợ chồng làm 13 công nhân Hải Phòng chết cháy

Vì lợi nhuận, vợ chồng Hiền thuê công nhân làm việc cho dù xưởng chưa hoàn thành. Khi hàn cột chống sét, vụ cháy đã xảy ra khiến 13 người thiệt màng, 24 người bị thương.

Vì lợi nhuận, vợ chồng Hiền thuê công nhân làm việc cho dù xưởng chưa hoàn thành. Khi hàn cột chống sét, vụ cháy đã xảy ra khiến 13 người thiệt màng, 24 người bị thương.

Phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Thị Hiền (SN 1987) ở thôn Đại Hoàng II, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại xưởng may gia công mũ giày vải Thuận Phát ở thôn Đại Hoàng II, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng kéo dài 2 ngày. Cùng ra trước tòa với bà chủ xưởng Bùi Thị Hiền có Lê Văn Bẩy, Nguyễn Văn Linh, Bùi Thị Sự, Nhiếp Thiếu Phong (là chồng của Hiền).


Các bị cáo tại tòa.

Sau một ngày thẩm vấn, 1 nửa ngày tranh tụng, chiều 31/7, TAND TP Hải Phòng đã tuyên án đối với các bị cáo.

Vụ cháy xảy ra khoảng 16h30 ngày 29/7/2011 tại xưởng may gia công mũ giày vải Thuận Phát ở thôn Đại Hoàng II, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng. Toàn bộ xưởng bị cháy, hậu quả làm 13 người chết, 25 người bị thương.

Tại tòa, bị cáo Bùi Thị Hiền – chủ xưởng may, cho rằng, mình đã không đồng ý cho Linh và Sử trèo lên mái tôn để làm việc. “Bị cáo có hỏi họ nhưng một người đã chửi lại bị cáo” – Hiền trần tình. Thanh minh về hành vi bỏ trốn khỏi địa phương ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, bị cáo Hiền cho rằng “vì sợ người dân khi đó hiểu sai, đe dọa tính mạng bị cáo nên bị cáo lánh đi để sinh con. Bị cáo chỉ tạm thời lánh sang Móng Cái – Quảng Ninh”.

Thế nhưng, trước nhận định, nếu cơ quan điều tra không nhanh chóng bắt giữ thì  bị cáo đã trốn sang Trung Quốc cùng chồng thì Hiền chỉ im lặng.

Cuối phần thẩm vấn, Hiền đã khai nhận vì đơn đặt hàng gấp nên chưa hoàn thiện nhà xưởng vẫn cho công nhân vào làm. Trách nhiệm một phần do bị cáo. Hiền cho rằng, mình bị truy tố đúng người, đúng tội.

Còn người chồng người Trung Quốc, không hôn thú của Hiền là Phong thì cho rằng, trước khi xây, anh ta đã đưa bản vẽ cho Sự. Nhưng trước câu hỏi tại sao khi nhận mặt bằng, nếu không đúng như bị cáo đã thiết kế thì lại không sửa, không cho mở cửa thoát hiểm thì anh ta lại trả lời cụt lủn rằng “vấn đề ở chỗ đấy”. Phong không nhận mình có sai sót gì trong vụ cháy.

Đối với bà chủ miếng đất được xây làm xưởng may là bà Bùi Thị Sự, bà này cho rằng đã làm theo đúng yêu cầu của vợ chồng Hiền, không để cửa thoát hiểm, chỉ có 1 lối ra vào. Sự khai: “Bị cáo không ở trong hoàn cảnh đó, chưa bao giờ xây dựng xưởng cho thuê nên không biết về yêu cầu cần có cửa thoát hiểm”.  Sự thừa nhận, khi xây dựng nhà xưởng không báo cáo chính quyền địa phương.

Về việc hàn cột chống sét, nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ hỏa hoạn, bị cáo Sự khai rằng, ngày 29/7/2011, Bảy đã trực tiếp đến xưởng may giày da để thực hiện yêu cầu hàn cột chống sét của Sự mà không hề có sự thông báo rằng hôm đó sẽ tiến hành. “Nếu Bảy nói với bị cáo, bị cáo sẽ chỉ cho Bảy làm vào thời gian công nhân nghỉ việc…” – Sự khẳng định. Theo bị cáo, xưởng may giày da hoạt động khi mặt bằng nhà xưởng chưa hoàn thiện nên trước thời điểm bị cháy, đã nhiều lần Sự cho thợ sơn trát tường vào làm nốt, nhưng Sự chỉ tiến hành trong khoảng thời gian từ 7 – 9h tối, khi công nhân nghỉ.

Còn bị cáo Lê Văn Bảy, là người trực tiếp hàn gây ra vụ tai nạn kinh hoàng, cướp đi 13 sinh mạng thì cho rằng: Hiền và Sự không ai cảnh báo trước cho bị cáo. “Trước đó, đã có lần bị cáo đến xưởng hàn khi công nhân đang làm việc nhưng không bị cháy. Một phần hậu quả do bị cáo gây ra” – lời Bảy.

Cùng thực hiện việc hàn xì hôm đó còn có bị cáo Nguyễn Văn Linh. Linh khai rằng, mình chỉ là người phụ giúp Bảy. “Vì bị cáo đau đầu nên đã đề nghị đi về, mai làm nhưng Bảy không đồng ý. Sau đó, bị cáo nghe thấy công nhân nói có khói, liền trèo từ mái nhà xuống thì thấy cháy, liền gọi Bảy xuống, đồng thời lôi được 2 người công nhân ra” –  lời Linh.

Sau phần thẩm vấn, Viện kiểm sát nhân dân Hải Phòng đã đề nghị mức án dành cho 5 người vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy. Trong đó, Nhiếp Thiếu Phong bị đề nghị 11-12 năm, Bùi Thị Hiền 10-11 năm, Bùi Thị Sự 7-8 năm, Lê Văn Bảy  9-10 năm, Nguyễn Văn Linh 4-5 năm.

Sau hai ngày xử, TAND Hải Phòng đã tuyên phạt Bùi Thị Hiền chủ xưởng may 11 năm tù, Nhiếp Thiếu Phong (chồng không hôn thú của Hiền, quốc tịch Trung Quốc) 12  năm. Bà chủ đất Bùi Thị Sự 7 năm, Lê Văn Bảy 10 năm, Nguyễn Văn Linh 3 năm 6 tháng cùng về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài mức án trên, HĐXX cũng yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân từ 73 đến 300 triệu đồng.

Nhật Mai
Theo Infonet

Từ khóa: