Trần Hạnh, Hoài Linh, Văn Hiệp, Giang Còi .... được xem là những diễn viên rất hợp đóng các vai khổ, chân quê.
NSƯT Trần Hạnh
Nhiều năm tham gia nghệ thuật, NSƯT Trần Hạnh được khán giả nhớ đến qua hình ảnh "lão nông" chất phác, có cuộc sống cực khổ. Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi... là những bộ phim ghi dấu tên tuổi của ông.
NSƯT Trần Hạnh ngoài đời với hình ảnh gầy guộc, chân chất.
Nhìn hình ảnh gầy guộc, chân chất trong vai lão nông của Trần Hạnh trên truyền hình, ít người tưởng tượng ông lại là trai Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở phố cổ. Khởi đầu sự nghiệp từ một nghệ sĩ sân khấu, NSƯT Trần Hạnh tự hào đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc.
NSƯT Trần Hạnh vai diễn ông Đoán - bố của Thi trong phim Những người sống bên tôi.
Ở tuổi 83, ít ai biết rằng người nghệ sĩ già lại có một cuộc sống thật đầy khốn khó. NSƯT Trần Hạnh từng tâm sự, cách đây 2 năm vợ ông qua đời do bệnh nặng. Ngày xưa lúc vợ còn sống, ông không phải lo nghĩ điều gì, công việc nhà đã có bà làm. Thời gian ông chỉ tập trung cho việc đóng phim, kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng giờ mọi thứ đã khác, một mình ông phải quán xuyến việc nhà từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo...
Cố nghệ sĩ Văn Hiệp
Cố nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942. Ông là thế hệ đầu tiên học tại trường Sân khấu điện ảnh lớp diễn viên cùng khoá Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu… Trong sự nghiệp diễn viên mấy chục năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Và đa số các nhân vật cố nghệ sĩ vào vai đều khắc họa người dân quê chân chất.
Cố nghệ sĩ Văn Hiệp vào vai một cán bộ xã trong phim Mẹ chồng tôi.
Cố nghệ sĩ đã để lại dấu ấn trong khá nhiều bộ phim như Người vác tù và hàng tổng, Ông già hồn nhiên...
Hình ảnh cố nghệ sĩ Văn Hiệp trong vai trưởng thôn.
Đặc biệt, loạt tiểu phẩm về trưởng thôn qua seri hài Gặp nhau cuối tuần của Đài truyền hình Việt Nam, cố nghệ sĩ Văn Hiệp đã gắn tên tuổi của mình với hình ảnh ông trưởng thôn trong bộ quần áo bộ đội cũ, chiếc mũ dân phòng, băng rôn đỏ ở tay và chiếc còi giắt túi áo. Các nhân vật của ông hầu như khắc họa đúng với sự giản dị, mộc mạc, chân chất từ chính con người ngoài đời thực.
Hình ảnh cố nghệ sĩ Văn Hiệp dản dị ngoài đời.
Nghệ sĩ Hoài Linh
Là một nghệ sĩ lớn trong làng nghệ thuật Việt Nam, danh hài Hoài Linh “diễn” đến đâu thì khán giả sẽ “nhớ” tới đó. Trên sân khấu, anh thường hóa thân vào các vai lam lũ, nhà quê… còn ngoài đời, anh cũng rất giản dị, hồn hậu và chân chất. Hoài Linh có khá nhiều biệt danh, nhưng người hâm mộ thường gọi anh là: chú Sáu Bảnh hay chú Ròm.
Danh hài Hoài Linh với vai diễn gà trống nuôi con – ông Sáu Bảnh trong Ra riêng anh cưới em.
Vốn ''mỏng cơm, mình dây'', nghệ sĩ Hoài Linh thường được phân cho những vai nghèo khó và anh hoàn thành rất tốt vai diễn của mình. Trong bộ phim nào, Hoài Linh cũng để lại dấu ấn đậm nét với cách diễn rất duyên của riêng mình.
Tạo hình già nua, khắc khổ của Hoài Linh
Dù có duyên mang tiếng cười cho khán giả nhưng có thể nói hầu như tạo hình nhân vật của nghệ sĩ rất ăn khớp với những vai khắc khổ: người cha già nghèo khó, người nông dân, người nhà quê ra phố với dáng gầy gò mặc bộ bà ba màu nâu đất, khăn rằn choàng cổ. Với tài diễn xuất đáng nể phục, danh hài Hoài Linh mang đến cho khán giả những tiếng cười cũng như những suy ngẫm về cuộc sống xung quanh.
Nghệ sĩ Hoài Linh ngoài đời.
Nghệ sĩ Ánh Hoa
Nghệ sĩ Ánh Hoa (phải) trong phim Nghịch tử
Nghệ sĩ Ánh Hoa được coi là hiện thân của người dân Nam bộ nhân hậu, chịu thương chịu khó. Đa số các vai nữ nghệ sĩ đảm nhận thường mang đặc điểm chân chân, nghèo khó.
Nghệ sĩ Ánh Hoa (phải) trong phim Đất rừng phương nam.
Ngoài vai bà Tư trong Đất phương Nam, Ánh Hoa còn được khán giả yêu thương qua các vai diễn trong phim Người đẹp Tây Đô, Đồng tiền xương máu, Xóm nước đen, Hải Nguyệt, Giao thời, Giã từ dĩ vãng, Người Bình Xuyên, Mùa len trâu... Đến nay, bà đã có gần 200 vai bà lão từ trên màn ảnh nhỏ, MV ca nhạc, các vở cải lương, minh họa cho các tiểu phẩm kịch. Hiện tại, bà vẫn vẫn nhận lịch đi quay, đi diễn như thời còn trẻ.
Nghệ sĩ Ánh Hoa (phải) trong phim Dã từ dĩ vãng.
Nghệ sĩ Giang Còi
Nghệ sĩ Giang còi tên thật là Lê Hồng Gian, là một trong những nghệ sĩ hài của miền Bắc được khán giả yêu mến. Anh tham gia nhiều bộ phim và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem qua các vai người nông dân thật thà. Không chỉ vậy, với lối nói chuyện hài hước, dí dỏm, anh luôn tạo được tiếng cười cho mọi lứa tuổi khán giả.
Nghệ sĩ Giang Còi trong tạo hình Chí phèo.
Là nghệ sĩ có thân hình nhỏ nhắn và mái tóc dài bằng, nhưng với tài năng của mình nam nghệ sĩ đã chinh phục được đông đảo các khán giả khi tham gia chương trình Gặp nhau cuối tuần. Chính từ thành công với hình ảnh người nông dân chất phát đã tạo nên thương hiệu Giang Còi.
Cặp đôi danh hài Giang Còi và Quang Tèo.
Với sự mộc mạc, thuần chất nhà quê “nông dân” lam lũ, nghệ sĩ Giang Còi luôn biết cách mang tiếng cười đến với khán giả trong suốt nhiều năm nay khi anh đóng cùng nghệ sĩ Quang Tèo.
Nghệ sĩ Giang Còi ngoài đời.
Khác hẳn với nhiều nghệ sĩ thành danh thường tự tạo cho mình một vỏ bọc đối với đời sống, Giang Còi trên màn ảnh và giữa đời thường không khác nhau. Nam nghệ sĩ vẫn rất mộc mạc, đơn giản và mến khách.
(Còn tiếp)
An Huy
Theo ĐSPL, Vietnammoi