Sự kiện hot
5 năm trước

“5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, đó là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; và thu hút FDI.

Các bạn hãy tận dụng cơ hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới, khi các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực, trong đó có Việt Nam là điểm đến thuận lợi.  

Nêu rõ cơ hội phát triển sau đại dịch COVID-19 “trước hết là dành cho doanh nghiệp trong nước”, đồng thời khẳng định quan điểm “đánh giá cao đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp FDI”, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắn nhủ nếu các doanh nghiệp trong nước không biết tận dụng, không nắm bắt kịp thời, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tranh thủ cơ hội này. Trước đó, tại các cuộc làm việc với bộ, ngành, địa phương, ông cũng đã nhắc đến khả năng xảy ra tình trạng thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu. Do đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế.

“Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”, Thủ tướng phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Việt Nam đã tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế. 

Cùng với đó, một số chính sách hội nhập quốc tế như các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đi cùng với “cơ hội vàng” thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giầy, du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, logistics…

“Qua nắm bắt tình hình thực tiễn và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua đã có nhiều nhà hàng, khách sạn, DN đang rao bán, chuyển nhượng. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam (doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) có thể sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ”, Bộ trưởng cảnh báo.

Thách thức cạnh tranh – cơ hội hợp tác

Từ góc nhìn doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam cần tranh thủ cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao từ một số quốc gia khác vào Việt Nam. Chẳng hạn Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.

Cũng theo VCCI, năm 2021 sẽ là thời điểm tăng vốn FDI nhờ vào thu hút đầu tư nước ngoài do có thương hiệu, nơi đến đầu tư an toàn và trung thực. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể hợp tác đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn, VCCI đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, thời gian “giãn cách xã hội” vừa qua cũng là lúc các doanh nghiệp có thể tư duy lại về con đường phát triển mới của mình. Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì đề nghị các doanh nghiệp FDI cũng cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang đứng trước 2 cơ hội lớn là dịch chuyển dòng vốn nước ngoài và những lợi thế về việc sớm ký kết FTA với EU. Dịch bệnh đang diễn ra nhưng đây lại “cơ hội vàng” để Việt Nam bứt tốc thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này thì trước mắt Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề lớn còn tồn đọng.

“Thứ nhất là môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp Châu Âu không chấp nhận chuyện tham nhũng hay bôi trơn. Thứ hai là việc sở hữu trí tuệ. Bản quyền, thương quyền bị xâm hại, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường làm các doanh nghiệp Châu Âu e ngại. Và cuối cùng là thời gian, các doanh nghiệp Châu Âu họ nắm bắt cơ hội rất nhanh nhưng không thể chờ tới vài năm để cấp phép một dự án. Thời gian quá lâu đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh trôi qua” - GS Mại nói.

Hà Chính
Theo Báo Chính phủ

Từ khóa: