Sự kiện hot
8 năm trước

5 phiên tòa thế kỷ gây chấn động dư luận

150 triệu người Mỹ, tức khoảng 57% dân số nước này, theo dõi phiên tòa thế kỷ xét xử cựu cầu thủ bóng bầu dục Mỹ O.J. Simpson giết vợ cũ năm 1995.

Vụ án Michael Jackson

"Ông hoàng nhạc Pop" Michael Jackson

Đầu những năm 2000, Michael Jackson là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới. Bên cạnh ngoại hình và đời tư kỳ lạ, kể từ sau vụ kiện dân sự năm 1993, có tin đồn rằng Jackson có các mối quan hệ không phù hợp với trẻ em. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn đối với “ông hoàng nhạc Pop” xảy đến vào tháng 2/2013, khi phim tài liệu Living with Michael Jackson lên sóng, trong đó đề cập tới chuyện Jackson ngủ với trẻ em.

Sau khi phim được công chiếu, cảnh sát bắt đầu điều tra vào ngày 18/11/2003, một ngày sau khi Jackson phát hành album hit nhất của ông ở trang viên Neverland Ranch, California. Ngay hôm sau, lệnh bắt Jackson được ban hành và ca sĩ này tự nộp mình ở sở cảnh sát ngày 20/11/2003.

Phiên xử Jackson bắt đầu vào ngày 31/1/2005 và công tố viên không có nhiều bằng chứng vật lý. Thay vào đó, vụ án phần lớn dựa vào lời tố cáo của một cậu bé 13 tuổi mắc bệnh ung thư. Công tố viên cho rằng những cáo buộc phù hợp, dù Jackson chưa bao giờ bị kết án vì tội tấn công tình dục, hay bất cứ tội ác nào.

Phiên tòa kéo dài 6 tháng và thu hút hàng triệu người theo dõi mỗi ngày.

Ngày 13/6, gần 6 tháng sau khi phiên tòa bắt đầu, bồi thẩm đoàn tuyên Jackson trắng án. “Ông hoàng nhạc Pop” qua đời 4 năm sau đó, vào ngày 25/6/2009. Trước khi chết, Michael Jackson đã trả gần 200 triệu USD cho khoảng 20 nạn nhân bị tấn công tình dục.

Phiên tòa "nóng" nhất nước Mỹ

Vụ án liên quan tới O.J. Simpson được in trên bìa tạp chí Mỹ

Ngay sau nửa đêm ngày 13/6/1994, vợ cũ của cựu cầu thủ bóng bầu dục Mỹ O.J. Simpson, Nicole Brown Simpson và bạn trai, Ronald Goldman, bị giết hại tàn nhẫn ngay trước căn chung cư của Nicole.

Một thời gian ngắn sau đó, cảnh sát phát lệnh bắt giữ Simpson. Tuy nhiên, Simpson cùng người bạn Al Cowlings lái ôtô chạy trên cao tốc. Cuộc rượt đuổi giữa xe của Simpson và cảnh sát khi đó được phát trực tiếp trên truyền hình Mỹ. Rút cục, cảnh sát vẫn tóm được Simpson và ông bị buộc hai tội giết người cấp độ một.

Văn phòng công tố chỉ ra vài bằng chứng chống lại Simpson gồm vết cắt trên ngón tay của ông này và vết máu đông ở hiện trường vụ án; một chiếc găng tay phủ đầy máu của Simpson, Nicole và Goldman được tìm thấy trên đồ dùng của Simpson; và một túi đựng trong phòng ngủ anh ta có vết máu của Nicole.

Tuy nhiên, tất cả bằng chứng trên sau đó đều được chứng minh không liên quan tới Simpson. Ngày 3/10/1995, bồi thẩm đoàn tuyên bố cựu ngôi sao bóng bầu dục trắng án. 150 triệu người Mỹ, tức khoảng 57% dân số nước này, theo dõi phiên tòa thế kỷ.

Sau đó, Simpson tiếp tục đối mặt với một phiên tòa dân sự do gia đình Goldman khởi kiện vào năm 1997. Năm 2008, Simpson bị kết án về tội cướp giật và bắt cóc sau đó lĩnh án 9 đến 33 năm tù giam.

Xét xử Charles Manson

Charles Manson

Tháng 8/1969, nước Mỹ chấn động trước vụ giết 7 người trong một căn hộ cao cấp ở Los Angeles. Trong số những nạn nhân, nổi tiếng nhất là nữ diễn viên Sharon Tate, vợ của đạo diễn phim Roman Polanski. Sharon khi ấy mang thai 8 tháng rưỡi.

Điều khiến dư luận bàng hoàng hơn nữa là những kẻ ra tay sát hại 7 nạn nhân là nhóm “Gia đình Manson” gồm cả những phụ nữ trẻ. Tên cầm đầu là Charles Manson.

Do tính chất tàn bạo của tội ác và sự kỳ quái của thủ phạm, phiên toà biến thành một rạp xiếc. Những thành viên không bị bắt trong “Gia đình Manson” thể hiện sự đoàn kết bằng cách làm những điều Manson đã làm, như khắc chữ X trên trán và cạo đầu.

Tại tòa án, những người này sẽ ca hát, hát và biến phiên xử thành một cuộc dã ngoại.

Tháng 1/1971, Manson và một số thành viên “Gia đình Manson” bị kết án tử hình. Năm 1972, tất cả án tử hình được chuyển thành án chung thân không khả năng phóng thích.

Phiên tòa "Monkey Trial"

Clarence Darrow, đứng bên phải,đối chất William Jennings Bryan, ngồi bên trái trong phiên tòa

Tháng 3/1924, bang Tennessee (Mỹ) thông qua đạo luật cho rằng việc dạy học thuyết tiến hóa Darwin ở trường học là phạm pháp. John Scopes, một giáo viên trung học ở Dayton, và doanh nhân địa phương George Rappalyea phản đối đạo luật này và tìm cách chống đối.

Vụ án thu hút hai luật sư hàng đầu của Mỹ, gồm William Jennings Bryan, từng 3 lần là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đứng ra luận tội Scopes, trong khi Clarence Darrow tình nguyện hỗ trợ Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) bảo vệ Scopes. Theo Bryan và nhóm của ông tuyên bố học thuyết tiến hóa sinh học là kẻ thù của Thiên Chúa giáo.

Phiên tòa bắt đầu vào ngày 10/7/1925 và thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ bởi nó liên quan tới kiến thức nên được giảng dạy trong trường học: Thiên chúa giáo cơ bản hay khoa học.

Gần cuối phiên tòa, Darrow thay đổi chiến thuật khi gọi Bryan là “nhân chứng bảo vệ niềm tin tuyệt đối vào Kinh thánh”. Darrow cũng gây khó cho Bryan bằng cách khiến ông này đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn và sai trái khi giải thích nghĩa đen của Kinh thánh.

Darrow cuối cùng yêu cầu bồi thẩm đoàn tuyên án Scopes có tội để sau đó kháng án. Bồi thẩm đoàn dành 8 phút thảo luận và tuyên Scopes bị phạt mức tối thiểu 100 USD. Năm 1927, bản án bị hủy, nhưng luật cấm giảng dạy về học thuyết Darwin không bị bãi bỏ mãi cho tới năm 1967.

Bộ phim Inherit the Wind kể về vụ án nổi tiếng này sau đó được đề cử giải Oscar.

Phiên xử kẻ giết Tổng thống Mỹ William McKinley

Leon Czolgosz

Vụ án thế kỷ đầu tiên của thế kỷ 20 chỉ kéo dài 8 tiếng nhưng khiến những người theo dõi cảm thấy đau đớn trước cái chết của nạn nhân.

Ngày 6/9/1901, khi Tổng thống thứ 25 của Mỹ William McKinley đang đứng trong một đường dây chào đón mọi người tại Triển lãm Pan-American ở Buffalo, New York, ông bất ngờ bị Leon Czolgosz, 28 tuổi, bắn hai phát vào bụng ở cự ly gấn. McKinley qua đời 8 ngày sau đó. Czolgosz đến từ một gia đình nhập cư nghèo và bắn McKinley vì nghĩ tổng thống McKinley chỉ giúp người giàu.

Phiên tòa xử Czolgosz bắt đầu 9 ngày sau khi tổng thống McKinley qua đời ngày 23/9/1901. Nghi phạm Czolgosz cũng từ chối quyền mời luật sư bào chữa. Y bị kết tội và lĩnh án tử hình bằng cách hành quyết trên ghế điện ngày 29/10/1901.

Trọng Hiếu (Theo Toptenz)
Theo Đời sống & Pháp lý

Từ khóa: