Tuần từ 27/11 đến 1/12, trong số 6 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, Văn Phú Invest và Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh là các doanh nghiệp nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư.
CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (Mã: VPI) với các màn tăng vốn “khủng” trước thềm niêm yết
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo chính thức đưa 160 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest niêm yết, tương ứng vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng. Mức giá tham chiếu ngày đầu lên sàn là 27.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/11.
Văn Phú Invest, tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh, được thành lập năm 2003 với nhiều dự án trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển bất động sản. Năm 2008, công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Tính từ thời điểm 2008, công ty đã thực hiện 6 lần thay đổi vốn điều lệ, từ 45,8 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng.
Lần tăng vốn ngoạn mục gần đây nhất là vào tháng 7/2017, vốn điều lệ tăng gấp 6 lần từ 262 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của Văn Phú Invest tính đến thời điểm 31/10/2017, hai cá nhân nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của công ty là ông Tô Như Toàn nắm giữ 25%, ông Tô Như Thắng nắm giữ 7%. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư THG Holdings sở hữu nhiều nhất với 23,44% vốn.
Trong khi 2015, Văn Phú lỗ 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2016 chỉ khoảng 18 tỷ đồng thì 9 tháng đầu năm nay ghi nhận mức lợi nhuận lên tới 252 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch năm.
Doanh thu 9 tháng đạt 667 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch năm. Bản cáo bạc cho hay, quý IV/2017, công ty sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ dự án Khu nhà phố thương mại – The Vicotria, dụ án nhà ở cao tầng CT9 và từ kinh doanh một số sản phẩm BĐS nhỏ lẻ khác.
CTCP Dịch vụ Sân Bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS - Mã:CIA)
8 triệu cổ phiếu CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS) sẽ chính thức giao dịch trên HNX từ 29/11, giá tham chiếu là 45.000 đồng/cp.
CIAS chuyên kinh doanh hàng miễn thuế phục vụ khách xuất, nhập, quá cảnh; kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách đi máy bay của các hãng hàng không trong nước và quốc tế.
Với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Thương mại Hàng không Cam Ranh, công ty được thành lập ngày 14/1/2009 với các cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty Cổ phần Yasaka-Sài Gòn Nha Trang và Công ty Cổ phần Nha Trang Taxi. Năm 2015 đánh dấu việc Nhà nước thoái toàn bộ vốn do ACV làm chủ sở hữu.
Từ năm 2016 đến nay, công ty đã tiến hành 3 đợt tăng vốn. Gần đây nhất, tháng 8/2017, công ty đã phát hành 2 triệu cổ phiếu, bao gồm 1,45 triệu cổ phiếu được chào bán ra công chúng qua hình thức đấu giá và 550.000 cổ phiếu chào bán cho cổ đông chiến lược. Vốn điều lệ tăng từ 60 lên 80 tỷ đồng.
Tính đến 5/10/2017, các cổ đông lớn bao gồm Công ty cổ phần dịch vụ Sân bay (ASG) sở hữu 21,53%, Công ty cổ phần Công DV TM Hàng không Tân Sơn Nhất nắm 6,88% và Công ty cổ phần
9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần CIAS đạt 328,4 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 88% kế hoạch năm.
CTCP Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu (Bwaco - Mã: BWS)
60 triệu cổ phiếu BWS của CTCP Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu (Bwaco) sẽ được đưa lên UPCoM giao dịch vào ngày 28/11 với giá tham chiếu 11.400 đồng/cp.
Bwaco được thành lập 1982, với tên gọi Xí nghiệp Cấp thoát nước Vũng Tàu – Bà Rịa trên cơ sở sáp nhập Xí nghiệp Khai thác nước Châu Thành và Xí nghiệp khai thác nước Vũng Tàu của CT Khoan cấp nước Đồng Nai. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch, xây dựng công trình.
Tính đến tháng 11/2017, công ty đã trải qua 7 lần tăng vốn lên đến 600 tỷ đồng. Thời điểm tháng 9/2013, Bwaco phát hành thêm 1,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 194 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng, tuy nhiên sau đó công ty không thực hiện đưa số cổ phiếu này giao dịch trên thị trường tập trung. Do vậy, ngày 13/9 vừa qua, Bwaco đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 125 triệu đồng.
Cơ cấu cổ đông ngày 9/10 có 49% vốn cổ phần do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nắm giữ và 5,32% của CTCP Cấp nước Phú Mỹ. Ngoài ra, danh sách công ty liên kết có Cấp nước Phú Mỹ (Bwaco sở hữu 28%), Cấp nước Vũng Tàu (35%), Cấp nước Châu Đức (10,4%).
9 tháng 2017, công ty đạt 153 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, tăng 31%.
CTCP TRT (Mã: ILA)
10 triệu cổ phiếu ILA của Công ty Cổ phần TRT sẽ được đưa lên sàn UPCoM giao dịch với giá tham chiếu 11.300 đồng/cp vào ngày 28/11.
CTCP TRT được thành lập từ năm 2014 với tên ban đầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Trường Thịnh với số vốn điều lệ 21 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, thương mại cà phê và dịch vụ xúc tiến đầu tư. Qua hai lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của công ty là 100 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 13/10/2017, có 4 cổ đông lớn sở hữu 30,6% vốn điều lệ của TRT. Trong đó cổ đông lớn nhất CTCP ILAHoldings sở hữu 15% vốn.
CTCP Đầu tư và Xây lắp Thành An 665 (Mã: TA6)
3 triệu cổ phiếu TA6 của CTCP Đầu tư và Xây lắp Thàng An 665 sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 28/11 với giá tham chiếu 11.000 đồng/cp.
Tiền thân của Xây lắp Thành An 665 là Đoàn 600 thuộc Cục kiến thiết cơ bản – Tổng cục Hậu cần, đơn vị được thành lập vào năm 1983. Năm 2009, công ty chuyển đổi mô hình quản lý từ Công ty Nhà nước sang mô hình Công ty cổ phần. Qua các lần thực hiện tăng vốn, tính đến 17/11/2016, vốn điều lệ của công ty là 30 tỷ đồng.
Hiện tại, Tổng công ty Thành An nắm giữ 52,67% vốn cổ phần, số cổ phần còn lại do các cá nhân nắm giữ.
Công ty cổ phần Rượu Hapro (Mã: HAV)
Gần 3,3 triệu cổ phiếu HAV của CTCP Rượu Hapro cũng sẽ được đưa lên sàn UPCoM giao dịch với mức giá tham chiếu 6.500 đồng/cp vào ngày 30/11.
Hiện nay công ty rượu này đang là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), và chưa thực hiện lần tăng vốn nào từ khi thành lập đến nay.
Quỳnh Trang
Theo KTTD, Vietnambiz