Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hải Dương, 6 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn FDI vào các KCN trên địa bàn tỉnh được 202 triệu USD, đạt 101% kế hoạch năm 2023, tăng hơn 32% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2023 tỉnh Hải Dương đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 25 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 146 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 15 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm khoảng 56 triệu USD; thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) được 3.201 tỷ đồng, tăng 3,2 % so với 6 tháng đầu năm 2022.
Như vậy, tính đến ngày 30/6/2023, các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hút được 348 dự án (bao gồm 16 dự án hạ tầng KCN và 332 dự án đầu tư thứ cấp). Gồm 262 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 05 tỷ USD và 71 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 11.484 tỷ đồng.
Đến nay, có khoảng 260/332 dự án đầu tư thứ cấp trong KCN đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ trên 78% tổng số dự án thứ cấp trong KCN; số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện xây dựng nhà xưởng, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính thức.
Các dự án đầu tư trong KCN chủ yếu là dự án FDI thuộc các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (Đài Loan, Hồng Kông), Anh,... với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm sản xuất chủ yếu là các mặt hàng điện - điện tử, dây cáp điện dùng cho ô tô và xe máy, may mặc, nhựa, bao bì,….
Các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn; sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới, đã đóng góp phần không nhỏ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; đặc biệt các dự án FDI trong KCN đã tạo sức kéo, điều kiện tốt cho các dự án DDI tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, 100% số thủ tục hành chính của đơn vị được giải quyết đúng thời hạn. Việc cấp phép đầu tư cho các dự án mới đã được đơn vị rút ngắn xuống còn từ 5-10 ngày thay vì 15 ngày theo quy định. Ban cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao. Ban cam kết sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính từ 1/2 đến 1/3 cho các nhà đầu tư...", bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh nói.
Được biết, Hải Dương hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 80%. Ngoài ra, 5 khu công nghiệp đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng với diện tích 938,35 ha. Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ có thể cho thuê khoảng 649 ha. Tỉnh đã bàn giao đất cho 3 khu công nghiệp mới gồm: Gia Lộc, Phúc Điền mở rộng, Đại An mở rộng giai đoạn 2 để xây dựng kết cấu hạ tầng. Dự kiến trong quý III và quý IV năm nay, các khu công nghiệp này sẽ hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 và đưa vào khai thác.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế và Đồ uống