Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng kết 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 819.560 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước đạt 109,1 nghìn tỉ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38,8 nghìn tỉ đồng, tăng 11,2%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 70,2 nghìn tỉ đồng, giảm 10,5%.
Còn theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11,7 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực, chiếm khoảng 10% dân số. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 70-80% dân số, còn số lượng hợp đồng trên đầu người lên tới 150-200% ở một số quốc gia.
Nửa đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành đạt gần 819.600 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư vào nền kinh tế xấp xỉ 721.300 tỉ đồng (+10%). Tổng số tiền chi trả quyền lợi gần 30.100 tỉ đồng (+35%).
Bảo hiểm nhân thọ vốn là "phao cứu sinh" về tài chính cho nhiều gia đình, khi được tư vấn đúng và đủ. Tuy nhiên, hơn hai năm trở lại đây, ngành này xảy ra khủng hoảng niềm tin trầm trọng lớn nhất lịch sử.
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, top 5 "ông lớn" dẫn đầu về tổng doanh thu phí là: Bảo Việt nhân thọ, Manulife, Prudential, Dai-ichi và AIA. Manulife là doanh nghiệp gặp nhiều "sóng gió" liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng trong những năm gần đây, đặc biệt sự vụ với SCB.
Những tháng đầu năm nay, doanh số lĩnh vực này giảm trên 30%, sau giai đoạn dài tăng trưởng hai chữ số.
Theo kết quả khảo sát chuyên gia, DNBH của Vietnam Report trong giai đoạn tháng 5-6/2024, 45,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành Bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024. Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ngành Bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm đầy triển vọng với những mục tiêu tài chính đáng chú ý. Cụ thể, tổng tài sản của Ngành được ước tính đạt 1.004.421 tỷ đồng, phản ánh một sự tăng trưởng ấn tượng 9,97% so với năm 2023.
Dự kiến năm 2024, ngành Bảo hiểm cũng đóng góp tích cực cho nền kinh tế thông qua số vốn đầu tư ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%).
Với những triển vọng và thách thức đã được nhận diện, các DNBH tham gia khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 3 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành Bảo hiểm năm 2024, bao gồm: Công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành Bảo hiểm; Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP thấp; và Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 đã chính thức được ban hành.
Theo Vietnam Report, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP tại Việt Nam hiện nay dao động ở mức 2,3-2,8%, thấp hơn so với mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và mở rộng.
Nguyên nhân của tỷ lệ thâm nhập thấp này phần lớn là do nhận thức về bảo hiểm trong dân chúng chưa cao, cùng với thu nhập trung bình của người dân vẫn còn thấp so với các nước phát triển. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây.
Dự báo của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam sẽ đạt 3,5% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định và thu nhập ngày càng được cải thiện, khả năng chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm của người dân cũng tăng lên. Mặc dù năm 2022 một người Việt Nam chỉ chi ra khoảng 2,5 triệu đồng cho bảo hiểm mỗi năm nhưng so với năm 2017, mức phí này đã tăng gấp 2 lần.
Tiến Hoàng/KTDU