Đó là thông tin do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 17/6.
Đó là thông tin do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 17/6.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ảnh: Thảo Nguyên
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.042 chợ có hoạt động kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm. Nhưng ý thức chấp hành quy định pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý của người kinh doanh buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm rất thấp. Một số khác vì lợi nhuận trước mắt đã sử dụng sản phẩm kém phẩm chất, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một phần trách nhiệm do công tác tổ chức quản lý, tuyên truyền về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm của Ban Quản lý các chợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, thiếu kiểm tra đôn đốc và xử lý.
Cùng với đó, kiểm tra các cơ sở tiêu thụ phát hiện, một số cơ sở sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển từ các nơi khác về không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; một số khác vì lợi nhuận trước mắt đã sử dụng sản phẩm kém phẩm chất không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiểm tra, phúc tra, kiểm soát cũng phát hiện, 60% trường hợp kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không được kiểm tra, kiểm soát giết mổ. Trong 60% trường hợp trên có khoảng 25-30% sản phẩm gia súc, gia cầm được giết mổ tại các điểm, hộ giết mổ thủ công ở các tỉnh lân cận vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ; 30-35% sản phẩm gia súc, gia cầm được giết mổ tại các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, thủ công tại các huyện ngoại thành Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện, Hà Nội có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp với tổng công suất thiết kế là 1.200 con lợn, tương ứng với 60 tấn/ngày và 65.400 con gia cầm, tương ứng với 117 tấn/ngày; 3 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, công xuất giết mổ 2.500 con/ngày và 3.000 con gà/ngày. Nhưng thực tế các cơ sở giết mổ công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu thịt lợn, 11% nhu cầu thịt gia cầm.
Trong khi, 2.571 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công (trong đó có 16 cơ sở giết mổ thủ công tập trung) cung cấp đến 83% sản phẩm giết mổ thịt lợn và 87% sản phẩm thịt gia cầm cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày lại không bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm
Trước thực trạng trên, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015 đạt 75-85% sản phẩm giết mổ từ cơ sở công nghiệp và bán công nghiệp bảo đảm được kiểm soát và an toàn thực phẩm; quy hoạch lại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…
Ông Đăng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao Chi cục Thú ý xây dựng đề án Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2013-2016 trình UBND TP phê duyệt và tổ chức thực hiện; kiểm tra và yêu cầu UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ lập dự án giết mổ, quản lý chặt công tác giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Chương Mỹ, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa…
Hà Nội đã xây dựng mô hình giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn huyện Đan Phượng. Sau khi có cơ sở giết mổ tập trung này, huyện Từ Liêm, Hoài Đức sẽ ban hành quy định cấm cơ sở giết mổ không bảo đảm và kiểm tra xử lý.
Thảo Nguyên
theo Thanh tra