Theo tính toán của Hiệp hội vận tải ô tô VN, mức tăng giá xăng, dầu lần này đã tăng hơn 20%, do đó sẽ khiến giá thành vận tải dự kiến tăng khoảng 15%.
Sự kiện xăng tăng giá “chóng mặt” khiến nhiều người dân lo ngại tình hình giá cả nhiều loại hình kinh doanh vận tải sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, theo đại diện các DN vận tải, nếu tăng giá, DN phải thông báo tới khách hàng, hành khách tối thiểu trước 7 ngày.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, cho biết: việc tăng giá xăng, dầu chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải nhanh chóng tính toán, điều chỉnh giá cước hợp lý, vừa để giữ khách hàng vừa không để ảnh hưởng tới lợi nhuận kinh doanh.
Theo tính toán của Hiệp hội vận tải ô tô VN, mức tăng giá xăng, dầu lần này đã tăng hơn 20% so với giá hiện hành và sẽ tác động trực tiếp tới ngành vận tải, do đó sẽ khiến giá thành vận tải dự kiến tăng khoảng 15%.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh - Tổng công ty Đường sắt VN nhận định, việc tăng giá nhiên liệu trên dưới 20% so với mức giá hiện hành sẽ đẩy giá thành vận tải đường sắt lên 7 - 8%. Hiện đơn vị cũng đang tính toán để cân đối giá cước đối với từng loại hình kinh doanh, từng nhóm hàng, loại hàng, trên từng chặng, tuyến,… xem có bắt buộc phải tăng giá hay không và nếu tăng thì sẽ tăng sẽ như thế nào cho hợp lý. Sau đó, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN sẽ có quyết định cụ thể.
|
Người dân đổ xô đi mua xăng trước giờ tăng giá tại Hà Nội ngày 24/02. (Ảnh VTC News)
|
Còn ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng: với mức tăng giá xăng dầu như hiện nay dự kiến các hãng sẽ có mức tăng khoảng trên dưới 10% so với giá cước hiện hành. Các DN taxi phải chịu chi phí xăng dầu chiếm tới 35% trong cấu thành giá. Theo tính toán, cứ trung bình 100 km thì taxi có 40 km phải chạy không có khách, tính phí nên chi phí xăng dầu sẽ càng phải chịu nặng hơn.
Do đó các DN sẽ tính toán, điều chỉnh hợp lý để vừa không ảnh hưởng đến hoạt động vừa giữ khách hàng. Theo đại diện một số DN taxi ở Hà Nội, ngay trong ngày 24/2, đã ban hành quyết định hỗ trợ bù lỗ cho lái xe tiền xăng phụ trội và họp bàn xem xét tăng giá, dự kiến dao động từ 15-20%.
Tuy nhiên, theo đại diện các đơn vị kinh doanh vận tải, với quy định của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, DN muốn tăng giá cước vận tải phải kiểm tra lại hoạt động, bộ máy của DN cũng như chất lượng phương tiện, sau đó có báo cáo kê khai giá cước đề xuất tăng với ngành thuế tại địa phương.
Sau khi được ngành thuế phê duyệt, DN phải thông báo điều chỉnh giá cước tới khách hàng, hành khách tối thiểu là 7 ngày trước khi tăng giá. Như vậy giá xăng, dầu tăng chỉ có thể ảnh hưởng tới giá thành vận tải sau hơn 7 ngày nữa. Nếu đơn vị nào tự ý tăng giá cước có thể bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt.
Doanh nghiệp vận tải đã điều chỉnh tăng giá cước?
Trao đổi với pv, anh Chung – Trợ lý tổng giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoàng Long cho biết: “Trong thời gian ngắn, DN cũng sẽ tăng giá, vì chi phí dầu tăng. Riêng tuyến Hà Nội-TP.HCM và Hải Phòng-TP.HCM đã bắt đầu tăng từ ngày 25/2/2011”. Theo đó, mức giá cũ với tuyến Hải Phòng - TP.HCM là 750.000 đồng/người, còn Hà Nội-TP.HCM: 720.000 đồng/người. Từ 0 giờ ngày 25/2/2011, giá vé Hà Nội-TP.HCM tăng lên mức: 790.000 đồng/người và Hải Phòng-TP.HCM 830.000 đồng/người.
Anh Chung lý giải, mỗi ngày DN Hoàng Long tiêu thụ đến 21.000 lít dầu. Sau khi giá dầu tăng, DN đã phải chịu thêm chi phí trên dưới 80 triệu. Công ty đang có lộ trình lên dự toán với cơ quan chức năng như Sở tài chính, Giao thông vận tải.
|
Từ 0 giờ ngày 25/2/2011, giá vé xe Hoàng Long tuyến Hà Nội-TP.HCM tăng lên mức: 790.000 đồng/người và Hải Phòng-TP.HCM 830.000 đồng/người.. Ảnh IE
|
Đối với Công ty du lịch Văn Minh, DN chuyên chạy xe giường nằm, tuyến Hà Tĩnh–Hà Nội, Vinh-Hà Nội và Cửa Lò-Hà Nội cũng đã có phương án tăng giá vé, sau khi dầu tăng giá hôm 24/2.
Anh Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc công ty cho biết: “Do giá cả thị trường tất cả đều tăng nên DN cũng phải tăng giá vé để phù hợp với giá dầu”. Anh Văn cho biết, chiều 25/2 (một ngày sau khi giá xăng tăng) công ty đã có cuộc họp và ra quyết định về việc sẽ áp dụng mức giá mới từ ngày 1/3/2011. Mức giá vé mới công ty áp dụng là 160.000 đồng/người, tức tăng 10%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thông – Phó tổng giám đốc Công ty Transerco cho rằng: “Đối với xe buýt, giá vé có hỗ trợ của nhà nước nên đỡ căng thẳng hơn. Nhưng vận tải liên tỉnh và hoạt động kinh doanh có dùng đến nhiên liệu có những khó khăn. DN cũng không quyết định được giá vé mà vấn đề này do thành phố quyết định”.
Một ngày sau khi giá xăng dầu tăng, theo khảo sát của pv VTC News, nhiều hành khách tại bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát… đều có chung nhận xét: giá vé tại quầy vé vẫn giữ nguyên nhưng nếu không mua vé mà lên xe và trả tiền khi đi từ các tỉnh về Hà Nội, giá vé đã bị "đội" lên.
Tại bến xe Nước Ngầm, nơi tập trung nhiều nhà xe chở khách từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ra Hà Nội và ngược lại, giá vé của các DN có quầy bán vé trong nhà chờ vẫn giữ nguyên. Theo chị Hà – nhân viên bán vé của một DN vận tải: “Giá vẫn thế, muốn tăng phải thông qua công ty”.
Xăng dầu tăng giá, nhiều lái xe không khỏi “méo mặt”. Nhân viên lái xe của Công ty Hoàn Thành - chạy tuyến Hà Nội – Viêng Chăn - than thở: “Ở đây, tất cả các xe đều thực hiện bán vé tại quầy đúng mức giá quy định. Nhà xe vẫn phải chịu bù lỗ”. Theo lái xe này, vì giá xăng dầu tăng nên chi phí cũng “đội” lên ở mức 1 triệu đồng/chuyến. Hiện giá vé của xe bán tuyến Hà Nội - Viêng Chăn đang ở mức 300.000 đồng/người.
Trước tình hình giá xăng dầu tăng, khách hàng cũng không than phiền nhiều nếu giá vé có tăng. Anh Thành (Nghệ An), hành khách đi xe, vui vẻ: “Tôi thấy giá vé vẫn như cũ, nhưng nếu có tăng trong thời gian tới, hành khách cũng thông cảm thôi vì xăng tăng giá đến thế cơ mà”.
Tăng 5% giá vé tàu ngồi cứng từ 1/4?
Chiều ngày 24/2, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn chỉnh xong phương án điều chỉnh giá vé ngồi cứng tàu Thống Nhất để trình Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính. Theo đó, mức giá cước mới đối với giá vé ngồi cứng tàu khách Thống Nhất được điều chỉnh tăng lên 5% và dự kiến sẽ được áp dụng vào ngày 1/4 tới.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, việc xây dựng mức giá cước mới đối với giá vé ngồi cứng tàu khách Thống Nhất tăng thêm 5% là vẫn thấp hơn 2% so mức tăng giá thành vận tải do tăng giá dầu Diesel. Mức giá bán này vẫn chưa đủ bù đắp chi phí vận tải tăng. Để đối phó với việc tăng giá xăng dầu này, trước mắt, Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ chi phí để đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất
|
Theo VTC